Các hộ thành viên của HTX dong riềng Trung Hiếu (Nguyên Bình, Cao Bằng) trước đây chỉ theo nghề làm miến nhỏ lẻ nên không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Năm 2020, khi được tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), các hộ này đã liên kết sản xuất theo HTX, từng bước tạo thành chuỗi giá trị từ thu mua nguyên liệu, chế biến, liên kết cung cấp đưa nông sản ra thị trường.
HTX liên kết người dân với doanh nghiệp
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 7-10 lao động, thu mua được nhiều nguyên liệu cho người dân, đáp ứng nhu cầu miến dong ngày càng cao của thị trường.
Trung Hiếu chỉ là một ví dụ gặt hái được thành công khi hình thành được chuỗi giá trị hàng hóa trên thị trường. Đặc biệt, đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, việc tiêu thụ nông sản trước kia chủ yếu thực hiện theo cách truyền thống là mang ra chợ bán, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cấp quản lý, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh thành phố, nhiều HTX đã hình thành được chuỗi giá trị hàng hóa.
Nhiều nhà phân phối nông sản lớn như Big C, Winmart, MM Mega Market, Tiktok, Lazada… đã chủ động tìm đến các HTX để kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng, từ đó giúp các địa phương, người dân, HTX đưa các nông đặc sản ra thị trường và tham gia các chuỗi cung ứng trên cả nước. Việc hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa giúp người dân, HTX yêu tâm với đầu ra của nông sản hơn, giá cả cũng ổn định hơn.
Chẳng hạn như cây cam sành của 11 HTX ở Hà Giang trong thời điểm dịch Covid-19 đã được Liên minh HTX Việt Nam kết hợp với UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ kết nối tiêu thụ, quảng bá trực tiếp với doanh nghiệp với số lượng lớn. Đồng thời các doanh nghiệp cũng giúp đỡ người dân, HTX hoàn thiện quy trình sản xuất, quảng bá thương hiệu cho loại nông sản này.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đã có hơn 4.000 HTX tham gia sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, chiếm gần ¼ trong tổng số HTX nông nghiệp cả nước. Và cũng có khoảng 30% trong tổng lượng sản phẩm OCOP trên cả nước là sản phẩm của HTX nông nghiệp.
Có thể khẳng định rằng, hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trên cả nước.
HTX là mô hình phù hợp hỗ trợ người dân đến gần hơn với doanh nghiệp. |
Bởi những cá thể, hộ nông dân nhỏ lẻ ít có khả năng sản xuất đi hết các bước của một chuỗi giá trị, và lợi nhuận từ khâu sản xuất theo quy mô hộ cũng thấp hơn so với HTX. Chỉ có HTX kiểu mới mới có khả năng liên kết người dân và doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại giá trị, lợi nhuận cao.
Vậy nhưng, nhiều HTX, nhất là những địa phương ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Điều này có thể do đặc thù của các sản phẩm HTX ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thường có sản lượng khiêm tốn, giao thông xa và khó đi lại nên chi phí vận tải cao, khó thu hút doanh nghiệp liên kết.
Bên cạnh đó, người dân, thành viên HTX cũng chưa quen với phương thức sản sản xuất, phân phối, tiêu thụ hiện đại nên các doanh nghiệp muốn thu mua, bao tiêu nông sản theo chuỗi giá trị cũng phải bỏ ra công sức nhiều hơn từ tập huấn, hỗ trợ người dân, HTX hoàn thiện quy trình sản xuất, đến thu mua, sơ chế đóng gói…
Còn về phía các HTX lại mới chỉ làm tốt khâu sản xuất, còn công đoạn sau thu hoạch vẫn thường bị bỏ ngỏ. Khó khăn này chủ yếu đến từ việc khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chính sách hỗ trợ về liên kết chuỗi, chính sách tiếp cận vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng… Ngoài ra là do thành viên, ban quản trị HTX còn thiếu kỹ năng liên kết, chưa thực sự nhanh nhạy trước sự thay đổi của công nghệ, thị trường…
Chính vì vậy mà theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, đến nay, việc đưa hàng hóa sản xuất theo chuỗi giá trị mới chỉ chiếm khoảng 15-20% trong tổng giá trị mặt hàng nông sản của cả nước.
HTX là giải pháp để tổ chức lại sản xuất
Có thể thấy, mỗi một chuỗi giá trị đều cần gắn kết từ nhiều khâu, nhiều mắt xích, thông qua nhiều tác nhân nhưng cơ bản nhất vẫn là mối liên kết giữa người dân-HTX-doanh nghiệp.
Và để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, Bộ NN&PTNT cũng đã chú trọng lấy kinh tế tập thể, HTX là nòng cốt của chuỗi giá trị để đưa chính sách hỗ trợ của nhà nước đến với người dân và huy động các nguồn lực từ xã hội vào phát triển chuỗi. Từ đó giúp các HTX tổ chức lại sản xuất, phát triển và thích ứng linh hoạt trong điều kiện của thị trường, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân cùng phát triển.
Theo các chuyên gia, muốn phát triển chuỗi giá trị hàng hóa bền vững, điều đầu tiêu là cần tập trung nhiều hơn các nguồn lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX vì HTX là mô hình hoàn toàn phù hợp với quy mô, yêu cầu sản xuất của đại đa số người nông dân cũng như đáp ứng được các quy luật khách quan của sự phát triển ở các vùng nông thôn-nơi mà các HTX chiếm đến khoảng 65% so với tổng số lượng HTX trên cả nước.
Muốn làm được vậy, điều đầu tiên là các cấp ngành không chỉ ở Trung ương mà cả ở địa phương cũng phải xác định rằng, kinh tế tập thể, HTX là giải pháp để các địa phương tổ chức lại sản xuất, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất hướng đến nền nông nghiệp quy mô lớn, bền vững. Nếu HTX phát triển sẽ tạo ra các chuỗi giá trị ngành hàng đủ lớn, giúp nông sản của Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường. Điều quan trọng hơn là giúp người nông dân sống được với những mảnh ruộng của chính mình.
PGS. TS Đào Thế Anh, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng một trong những giải pháp thúc đẩy chuỗi giá trị là cần tạo điều kiện, đẩy mạnh hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách tiếp cận vốn. Bên cạnh đó là đẩy mạnh hỗ trợ HTX nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để mở khóa cho khu vực này tiếp cận thị trường, chuyển đối số, quản trị, kết nối với doanh nghiệp…
Thay vì chỉ đưa nông sản từ các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn đến các vùng phát triển, cũng cần quan tâm đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn đến và mang được hàng hóa cho người dân, HTX ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn… để tạo ra sự trao đổi hàng hóa hai chiều, thúc đẩy người dân, HTX liên kết sản xuất, tìm kiếm cơ hội hợp tác theo chuỗi giá trị.
Huyền Trang