Đời sống của nông dân vùng biên giới ở xã Vĩnh Xương thuộc thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) ngày càng khá lên nhờ tham gia vào HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc với cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhất là HTX đã giúp các thành viên ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, từng bước đẩy mạnh liên kết tạo sức mạnh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho thành viên và các hộ nông dân.
Tạo sức mạnh liên kết sản xuất
Với 1.000m2 trồng xoài (từ 5-6 năm tuổi), nông dân ở xã Vĩnh Xương hiện có thu nhập không dưới 80 triệu đồng/năm. Bà Trương Thị Lê, thành viên HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc (ở xã Vĩnh Xương), phấn khởi cho biết xoài hiện nay bán rất có giá, nhà vườn rất phấn khởi.
Trong vụ xoài vừa qua, HTX Vĩnh Xương - Phú Lộc đã bao tiêu, mua xoài cát Hòa Lộc của thành viên HTX với giá từ 40.000-55.000 đồng/kg. Một thành viên khác của HTX là ông Trần Văn Nam cho rằng từ khi vùng đất xã Vĩnh Xương chuyển sang trồng xoài xuất khẩu, đời sống nông dân ngày càng khấm khá.
Nông dân xã Vĩnh Xương phấn khởi từ việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây xoài mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Cách đây 2 năm, HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc đã được thành lập ở xã Vĩnh Xương với 60 thành viên tham gia, có tổng diện tích sản xuất 500ha, chủ yếu là canh tác cây xoài. HTX chuyên về cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua và tiêu thụ nông sản cho thành viên và cộng đồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
HTX này thành lập với mục tiêu tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chung của thành viên, tăng thêm lợi ích thiết thực.
Đồng thời, HTX giúp thành viên ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, đẩy mạnh liên kết tạo sức mạnh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho thành viên và các hộ nông dân. Bên cạnh đó, từng bước đưa HTX ngày càng phát triển vững mạnh mang lợi ích kinh tế cho thành viên và người dân tại địa phương.
Ngay năm đầu thành lập, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xoài keo với Công ty Hoàng Phan 3 năm với diện tích tham gia 35,35 ha, có 35 nông dân tham gia.
Qua đó, tổng sản lượng công ty thu mua 6 tấn với giá bán trung bình 3.000đồng/kg, so với bán bên ngoài trung bình là 2.600đồng/kg, ước tính lợi nhuận cao hơn gần 16 triệu đồng, bước đầu đã mang lại lợi nhuận cho nông dân tham gia hợp đồng với công ty, từ đó, khẳng định thêm vị trí, vai trò của HTX khi hoạt động hướng về lợi ích của thành viên.
Đến năm 2022, HTX đã có 72 thành viên với 600ha đất trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài keo xuất khẩu. Đây là HTX đầu tiên trên địa bàn thị xã Tân Châu được thành lập để phát triển mô hình trồng cây ăn trái, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang xoài xuất khẩu.
Sau 2 năm hình thành và phát triển, HTX đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Vụ xoài vừa qua, bằng sự định hướng của Ban Giám đốc HTX, các thành viên HTX đã xử lý cho xoài ra hoa trái vụ, giá bán tại vườn lên đến 40.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi.
Không phải vất vả đi tìm đầu ra, đã có HTX lo
Nhờ vào việc sản xuất, thu hoạch xoài cát Hòa Lộc rơi vào thời điểm bán có giá nên cũng đã tạo thu nhập tốt cho nhiều hộ dân ở Vĩnh Xương. Ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương – Phú Lộc, cho biết vùng đất này có thế mạnh phát triển vườn cây ăn trái. HTX sở hữu 600ha xoài, bao gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài keo. Đây là lợi thế rất lớn trong đàm phán mua vật tư phục vụ cho vùng trồng, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Từ việc tạo sức mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ, HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương – Phú Lộc đã giúp cho thành viên và các nông dân trồng xoài có đời sống ngày càng khấm khá. |
“Chúng tôi sản xuất theo hướng công nghệ cao, tuyên truyền vận động nông dân để sản xuất theo, lấy chất lượng sản phẩm đó sau này tạo ra thương hiệu riêng cho HTX, để HTX càng ngày càng phát triển”, ông Hiệp chia sẻ.
Đa số nông dân trong HTX có kinh nghiệm quản lý đồng ruộng, quản lý dịch hại. Đặc biệt, bà con biết áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác cây ăn trái, quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng đầu ra. HTX xác định đây là lợi thế so sánh để phát triển, từ đó nông dân trong vùng mạnh dạn liên kết thông qua mô hình HTX
Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể thành viên HTX cùng tư duy sáng tạo, điều hành hoạt động HTX, hướng đến lợi ích của thành viên là điều tiên quyết đã góp phần đưa hoạt động HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương – Phú Lộc ngày càng được nâng chất.
Theo ông Hiệp, hướng hoạt động của HTX gồm cung ứng các vật tư đầu vào như là phân bón, thuốc BVTV, giấy bao trái để tăng lợi nhuận cho các thành viên. HTX cũng liên kết với các Doanh nghiệp để sản xuất theo VietGap hay GlobalGap, tăng năng suất cho bà con nông dân.
Từ sự phát triển hiệu quả của HTX trồng xoài nêu trên đã giúp cho nông dân thoát cảnh bấp bênh, vươn lên có đời sống khấm khá. Nhờ đó, đã có nhiều hộ dân tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại phần hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn.
Tự nguyện xin thoát nghèo một lần nữa cho thấy ý thức của người dân trong xã Vĩnh Xương đã và đang dần được nâng lên. Tính đến cuối năm 2022, xã Vĩnh Xương có 57 hộ nghèo, giảm 104 hộ; có 294 hộ cận nghèo, giảm 169 hộ, so với năm 2019.
Với việc giảm nghèo hiệu quả như vậy, càng cho thấy tầm quan trọng của kinh tế hợp tác và chủ trương của chính quyền khi cho nông dân ở vùng biên giới Vĩnh Xương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây xoài và các loại cây ăn trái khác, nhờ đó sản xuất được thuận lợi, đời sống nhân dân được cải thiện.
Nhất là trái cây sản xuất ra không phải vất vả đi tìm đầu ra, mà đã có HTX lo. Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dễ, thành viên HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương, Phú Lộc, vùng này, nếu không chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, đời sống bà con không có được như ngày hôm nay.
Điều đó cũng góp phần giúp cho xã Vĩnh Xương được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, được công bố hồi tháng 3/2023.
Thanh Loan