Đà Bắc là huyện vùng cao, còn không ít khó khăn về kinh tế, song được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Hòa Bình.
Với tổng diện tích đất tự nhiên gần 78.000 ha, trong đó, có 6.000 ha mặt nước trải dài trên địa bàn nhiều xã ven hồ thủy điện Hòa Bình, Đà Bắc có thế mạnh vượt trội trong nuôi trồng thủy sản.
Sản xuất khoa học
Dựa trên lợi thế đó, HTX Hiền Lương được thành lập, trở thành điểm tựa cho thành viên trong phát triển mô hình nuôi cá lồng an toàn, mang lại hiệu quả cao.
HTX Hiền Lương được thành lập từ tháng 7/2014, xuất phát điểm với 18 hộ thành viên, ngành nghề chính là ươm giống thủy sản, hỗ trợ cho vay con giống, nuôi cá lồng, đào tạo và tập huấn kỹ thuật cho thành viên, hộ dân liên kết.
Sau hơn 5 năm phát triển, HTX hiện có 60 lồng cá, với các loại cá đặc sản như cá chiên, cá lăng, cá trắm đen… đem lại doanh thu 5 - 6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho thành viên và hàng chục lao động.
Anh Võ Văn Bắc - thành viên HTX, chia sẻ: “Tôi vốn làm nghề thợ mộc, thu nhập bấp bênh khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhà ở gần hồ thủy điện, nhận thấy tiềm năng nuôi cá lồng trong lòng hồ, tôi cũng làm một lồng nuôi, song vì thiếu kiến thức, kỹ thuật, nên hiệu quả rất thấp”.
Năm 2014, tham gia HTX Hiền Lương, anh Bắc được hỗ trợ đi tham quan tại nhiều mô hình điểm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức về sản xuất an toàn, an toàn lao động (ATLĐ), kỹ năng phòng, trừ dịch bệnh… tạo cơ sở vững chắc để anh đầu tư, mở rộng quy mô lên 7 lồng cá.
“Nắm vững KH-KT, các lồng cá nhanh chóng cho hiệu quả cao. Sản lượng bình quân đạt 3 - 4 tấn/lồng, sản phẩm được bao tiêu, hỗ trợ tiêu thụ với giá ổn định, sau khi trừ chi phí, tôi thu về gần 200 triệu đồng/năm”, anh Bắc phấn khởi nói.
Đặc biệt, những năm trước, để có giống thả nuôi các hộ phải đi mua ở xa, giá cao và chất lượng không bảo đảm. Khi thành lập, HTX đã tổ chức ươm giống ngay tại chỗ, hỗ trợ các thành viên, hộ liên kết vay con giống chất lượng, giá thành hợp lý.
Mô hình nuôi cá lồng đang đem lại hiệu vượt trội cho thành viên HTX |
Phát triển theo chuỗi
Giám đốc HTX Hiền Lương - ông Xa Văn Huy, chia sẻ: “Việc bảo đảm về giống, sản xuất an toàn và hỗ trợ tiêu thụ là những cơ sở quan trọng để HTX hình thành chuỗi khép kín, phát triển mô hình sản xuất hàng hóa, mang lại lợi ích toàn diện cho người dân cả về kinh tế và ATLĐ”.
Trong quá trình xây dựng chuỗi, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những ưu tiên trọng điểm của HTX. Toàn bộ thành viên, hộ liên kết của HTX được tập huấn kỹ thuật, nắm chắc quy trình chăn nuôi an toàn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời, bảo đảm ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Vấn đề môi trường cũng được HTX chú trọng. Các lồng cá được đặt so le nhau để thuận tiện cho quá trình vệ sinh định kỳ hàng tuần. Mỗi lồng cá được treo 1 - 2 túi vôi (2 - 3 kg) để làm sạch nước. Sau mỗi đợt thu hoạch, HTX tiến hành đưa lồng lên bờ, vệ sinh bằng nước vôi sau đó phơi khô 1 - 2 ngày.
“Công tác kiểm tra lồng, tình hình cá phát triển được tiến hành hàng ngày để kịp thời phát hiện những bất thường và có biện pháp xử lý nhanh chóng. Tùy vào biên độ nước, HTX tiến hành neo đậu, chuyển lồng đến vị trí thích hợp, an toàn. Do đó, môi trường nuôi cá của HTX luôn được bảo đảm, dịch bệnh cũng được giảm thiểu”, Giám đốc Xa Văn Huy cho hay.
Cùng với hoàn thiện sản xuất, HTX Hiền Lương cũng đang tích cực tìm kiếm, kết nối với các HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn, các doanh nghiệp thực phẩm uy tín, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Sáu Ngạn