Ông Nguyễn Hà Việt - Giám đốc HTX Sơn Đông (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), cho biết: “Với vai trò đầu tàu trong sản xuất, HTX đã liên tục đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng tầm công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm lợi ích toàn diện về kinh tế và an toàn lao động (ATLĐ) cho người sản xuất”.
Sản xuất theo công nghệ mới
Trên vùng núi cao gần 1.000 m so với mực nước biển, HTX Sơn Đông đang biến những củ dong riềng thành đặc sản miến dong hiếm nơi nào có được, nhờ kỹ thuật chế biến công phu, quy trình sản xuất an toàn, mang lại hiệu quả cao.
Toàn huyện Nguyên Bình hiện có xấp xỉ 200 ha dong riềng, với hơn 800 hộ trồng, sản lượng 8.000 - 10.000 tấn/vụ, trong đó, có trên 60 hộ sản xuất và kinh doanh miến dong. Thành Công là xã đi đầu của huyện với 460/675 hộ trồng và sản xuất bột dong, doanh thu đạt 60 - 70 triệu đồng/năm.
Kể từ năm 2012, HTX đã tổ chức sản xuất theo công nghệ mới, sau đó gửi sản phẩm đến Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) để nhờ phân tích, lấy cơ sở khoa học để liên tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của thị trường.
Để có được những sản phẩm chất lượng, HTX đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện khu sản xuất hiện đại với tổng diện tích hơn 1.636 m2, gồm các hạng mục như xưởng sản xuất miến, kho thành phẩm, hệ thống phụ trợ khác phục vụ cho sản xuất…
Về trình độ nhân lực, HTX tổ chức nhiều buổi tham quan, học tập tại các mô hình điểm trên cả nước để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho thành viên, đồng thời, đưa cán bộ đi tập huấn, tìm hiểu về các thiết bị, công nghệ, quy trình sản xuất miến an toàn tại Đài Loan.
HTX cũng được Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 40 cán bộ, người lao động. Qua tập huấn, thành viên HTX đã làm chủ được công nghệ, bảo đảm tốt các vấn đề về vệ sinh thực phẩm, môi trường và ATLĐ trong quá trình chế biến.
Không chỉ trong chế biến, hoạt động sản xuất cũng được HTX nâng tầm, khi các giống dong riềng cao sản được đưa vào canh tác, năng suất bình quân trên 20 tấn/ ha/vụ, lượng bột cao hơn 2 - 3 lần so với giống dong riềng cũ.
Gần 10 năm sản xuất và kinh doanh miến dong, ông Hoàng Văn Tùng (xã Thành Công) chia sẻ: “Có truyền thống lâu đời, nhưng phải đến khi có HTX, hoạt động sản xuất và chế biến miến dong riềng mới đi vào ổn định, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, các điều kiện về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm được bảo đảm”.
Sản phẩm miến dong của HTX Sơn Đông |
Tăng khả năng cạnh tranh
Giữa năm 2012, sản phẩm miến dong của HTX Sơn Đông được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Miến dong hương rừng Phia Oắc”. Đây là tiền đề quan trọng để HTX nâng tầm thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Để khẳng định tên tuổi và đứng vững trên thị trường, HTX Sơn Đông chú trọng hai yếu tố gồm xây dựng thương hiệu và sản xuất an toàn. Các sản phẩm được HTX chế biến theo quy trình khoa học nhưng vẫn phát huy kỹ thuật truyền thống, nhằm duy trì hương vị đặc trưng đã làm nên danh tiếng của miến dong Nguyên Bình.
Giám đốc HTX Nguyễn Hà Việt cho biết: “Quy trình khoa học gắn với kỹ thuật truyền thống giúp HTX tạo ra những sợi miến trong, vàng, bóng dai, thơm, thanh mát và giàu dinh dưỡng. Quy trình sản xuất tỷ mỷ từ khâu chọn nguyên liệu, nghiền bột, lọc sạn, đến các khâu pha chế, ép khuôn, làm giàn phơi…”.
Điển hình như ở giai đoạn phơi, khi bột chín có màu vàng trong và sánh mới cho vào khuôn ép thành sợi đem phơi. Ngày phơi phải là ngày nắng hanh, giúp sợi miến có mùi thơm đặc trưng của núi rừng. Chính những bí quyết truyền đời giúp sản phẩm miến dong Nguyên Bình trở thành một đặc sản mang hương vị riêng biệt, gây ấn tượng với người tiêu dùng, đặc biệt với những người yêu ẩm thực.
Với hiệu quả thiết thực, cây dong riềng được huyện Nguyên Bình đưa vào nhóm cây trồng chủ lực của huyện giai đoạn 2015 - 2020. Quyết tâm cao của chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận của các hộ sản xuất, miến dong Nguyên Bình ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, thị trường liên tục được mở rộng.
Sáu Ngạn