Những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX tại thị xã Điện Bàn đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả, đa dạng các loại hình dịch vụ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Đồng thời, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất.
Những mô hình kinh tế đột phá
Có thể thấy rõ nét nhất từ mô hình liên kết nuôi bò công nghệ cao của HTX chăn nuôi công nghệ cao Gò Nổi (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) như thổi một luồng sinh khí mới về tương lai phát triển ngành chăn nuôi hiện đại cho bà con nông dân xứ Quảng.
Mô hình chăn nuôi bò công nghệ cao tạo nguồn thu nhập bền vững cho nông dân |
Ông Dương Phú Nam ở thôn Triêm Nam (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), thành viên HTX chia sẻ, cách đây 2 năm, ông “bắt tay” với HTX nuôi 5 con bò 3B của Bỉ và 2 con bò Charolais có nguồn gốc từ Pháp. Ngoài việc được hướng dẫn xây dựng chuồng trại và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, HTX còn chịu trách nhiệm cung ứng bò giống cũng như nguồn thức ăn cho các hộ liên kết.
Sau 12 tháng, trọng lượng mỗi con bò 3B đạt từ 600-650kg hơi, ông Nam xuất bán cho HTX với mức giá 80.000-87.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi con cho lãi ròng 20 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trước đây nuôi giống bò Thái Lan hoặc bò cỏ vàng địa phương.
Ông Ngô Trọng Hoàng, Giám đốc HTX chăn nuôi công nghệ cao Gò Nổi cho biết: HTX đầu tư xây dựng trang trại theo phương thức sử dụng đệm lót sinh học với diện tích 2ha tại thôn Bến Đền, quy mô nuôi khoảng 200 con bò ngoại cao sản và liên kết theo chuỗi giá trị với 2.000 hộ dân ở 3 xã thuộc vùng Gò Nổi.
Trang trại nuôi bò của HTX đang là mô hình trình diễn để người dân vùng Gò Nổi và các địa phương khác đến tham quan, học tập quy trình chăn nuôi theo hướng áp dụng công nghệ cao.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xác định hình thức tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng. Vì vậy, thời gian qua, HTX nông nghiệp I Điện Phước (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) đã phát huy vai trò của mình, làm lợi cho các thành viên từ những dịch vụ nâng cao: cung ứng vật tư nông nghiệp; sản xuất và tiêu thụ lúa giống; thủy nông và điện...
Hiện, HTX đang liên kết với các doanh nghiệp và đơn vị khác, triển khai sản xuất 1.200 - 1.300 tấn lúa giống, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng, mang về cho các thành viên tham gia chương trình này khoản thu nhập 800 triệu đồng/năm.
Giám đốc HTX nông nghiệp I Điện Phước Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Từ nguồn vốn tích lũy, HTX sẽ trích một phần để chung tay xây dựng NTM thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng với 50-60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, hỗ trợ nguồn lực hoạt động, xây dựng thiết chế văn hóa, góp phần để các ban ngành, đoàn thể và các thôn hoàn thành các tiêu chí NTM.
Nông thôn khoác "áo mới"
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, huyện xác định cán đích NTM chỉ là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Mô hình trồng măng tây xanh an toàn ở Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Trung mang lại thu nhập cao cho bà con sẽ được nhân rộng |
Ngay sau khi về đích NTM vào năm 2015, thị xã Điện Bàn đã lên kế hoạch giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí bằng các chương trình, đề án được triển khai đồng bộ, quyết liệt góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nội đồng, kênh mương… tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản, đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ vào sản xuất.
Theo ông Hiếu, trên địa bàn thị xã Điện Bàn hiện có 15 HTX thực hiện liên kết sản xuất lúa giống với diện tích trên 720 ha/năm, hằng năm đưa ra thị trường 5.000 tấn lúa giống.
Đặc biệt, thị xã đã hình thành các vùng chuyên canh, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kết hợp sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch như: khu du lịch Bến Đường xã Điện Quang; du lịch cộng đồng Triêm Tây xã Điện Phương...
Chỉ sau 6 năm, bộ mặt nông thôn các xã đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng văn minh, cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng tăng lên.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người ở 13 xã NTM nay đã đạt 42,39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%; tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 78%... đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết: Những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM thị xã Điện Bàn là nhờ nhận thức của cán bộ và nhân dân không ngừng nâng cao, bà con tự nguyện đóng góp tiền của, công sức trong xây dựng như hiến đất mở đường giao thông nông thôn, chỉnh trang vườn nhà, di dời chuồng trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất, trồng cây xanh, tham gia thu gom rác thải, vệ sinh môi trường.
Hiện nay, thị xã Điện Bàn đã xây dựng thành công 54 khu dân cư kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2023, 3 xã gồm Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Trong giai đoạn 2021-2025, trước tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Điện Bàn tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường, thúc đẩy các hình thức hợp tác, liên kết gắn với xây dựng vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu, vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Tô Thương