Giai đoạn 2015 - 2018, Điện Bàn đã đạt kết quả ấn tượng khi toàn bộ 13/13 xã, phường trên địa bàn đạt chuẩn NTM.
Giữ vững và nâng cao
Để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đạt chuẩn NTM, thị xã Điện Bàn đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng điểm mô hình “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” tại các thôn điểm của thị xã. Nhờ sự nỗ lực, đồng thuận từ chính quyền đến người dân, Điện Bàn dần hình thành các khu dân cư, vườn mẫu mang dáng vóc mới, tạo sức bật giúp Điện Bàn tiếp tục nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Điện Bàn tập trung xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu (Ảnh: TL) |
Theo đó, phấn đấu xây dựng 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong đạt “Xã NTM nâng cao”, “Xã NTM kiểu mẫu” năm 2020 theo Quyết định số 3816/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh”.
Lãnh đạo thị xã Điện Bàn khẳng định, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cho từng nhóm. Trọng tâm là thực hiện Đề án “phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng và phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”.
Gắn việc xây dựng NTM với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “5 không, 3 sạch”, “sản xuất, kinh doanh giỏi”, “nhà sạch, vườn đẹp”…
Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, thị xã Điện Bàn kiến nghị tỉnh Quảng Nam ban hành hướng dẫn chi tiết quy trình rà soát, đánh giá xét công nhận “Xã NTM nâng cao”, “Xã NTM kiểu mẫu” và cơ chế đặc thù về nguồn lực liên quan; hỗ trợ đủ kinh phí 40% cho các thôn xây dựng đạt tiêu chí “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
Để tạo thuận lợi cho các địa phương, lãnh đạo thị xã cho rằng tỉnh cần điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, tỉnh cần cho chủ trương mới sau khi sáp nhập thôn. Bởi, quy mô thôn mới sau khi sáp nhập dự kiến tăng gấp 2 lần về diện tích, dân số thì nguồn tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng/thôn để xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” là chưa đảm bảo; một số thôn đã được công nhận, nay sáp nhập với thôn chưa đạt nên “mới đạt một nửa thôn”. Sau khi di dời tường rào cổng ngõ để mở đường giao thông, trụ điện, trụ viễn thông nằm ngoài lề đường, nên cấp trên cần chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương di dời để không ảnh hưởng đến an toàn giao thông và cảnh quan NTM.
Tuổi trẻ đóng góp
Với mơ ước và khát vọng được cống hiến sức trẻ cho quê hương cùng ý chí, hoài bão vươn lên trong lập thân lập nghiệp và xây dựng NTM. Những năm qua, nhiều thanh niên trên địa bàn xã Điện Hòa đã và đang tự xây dựng được công việc, cuộc sống cho mình.
THT chăn nuôi thỏ Thành Đạt có khoảng 2.000 con thỏ, cho doanh thu hàng năm từ 200 - 240 triệu đồng (Ảnh: TL) |
Nhận thấy vị trí địa lý và điều kiện thổ nhưỡng tại xã phù hợp cho việc nuôi trồng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, các bạn trẻ đã định hướng đầu tư phát triển các mô hình khởi nghiệp như: Nuôi thỏ, trồng hoa cây cảnh, làm củi từ vỏ trấu… Đến nay, các mô hình này đều đã phát huy được hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, nhiều THT ra đời, tiêu biểu như THT chăn nuôi thỏ Thành Đạt (xã Điện Hòa), THT vận tải du lịch (phường Vĩnh Điện)…
Nổi bật trong đó là mô hình của anh Nguyễn Hữu Bình với THT nuôi thỏ Thành Đạt. Mô hình này không những phát huy được trí tuệ tập thể tham gia sản xuất, mà còn tránh cảnh từng người làm ăn manh mún, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến “mất cả chì lẫn chài”.
Trước, trong và sau khi đi vào hoạt động, THT chăn nuôi thỏ Thành Đạt luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền xã Điện Hòa, các ban ngành liên quan.
Anh Nguyễn Hữu Bình cho biết: “Tổ được cấp thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, tiếp cận những kênh vay vốn phù hợp. Nhờ vậy, chúng tôi mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại kinh doanh thỏ”.
Hiện nay, THT đã áp dụng thành công mô hình ứng dụng xử lý phân và nước tiểu bằng chế phẩm sinh học, nhờ thế, vấn đề môi trường luôn được đảm bảo. Từ khi ra đời, THT đã thành lập chuỗi cung ứng, thu mua thỏ tận nơi. Do đó, thành viên không còn lệ thuộc để rồi bị tư thương ép giá như trước.
Bên cạnh đó, THT còn được ngân hàng chính sách thị xã cho vay vốn sản xuất, giúp THT mạnh dạn mở rộng mô hình. Đến nay, mô hình của anh Nguyễn Hữu Bình có khoảng 2.000 con thỏ, cho doanh thu hàng năm từ 200 - 240 triệu đồng, tạo công việc làm thường xuyên cho thanh niên tại địa phương.
Hay như anh Nguyễn Văn Bảy với THT trồng hoa Hà Đông cũng cho thu nhập ổn định, nâng cao cuộc sống gia đình và góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Bình quân thu nhập của mỗi hộ dân trong THT từ cây hoa cúc là 80 - 100 triệu đồng/năm tùy thuộc vào số lượng, quy mô đầu tư sản xuất của mỗi hộ dân, trong đó tiêu biểu có hộ ông Nguyễn Văn Sáu thu nhập mỗi năm hơn 240 triệu đồng/năm.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua có thể khẳng định, từ việc phát huy tốt vai trò của mình, các THT của các thanh niên trẻ đã góp phần giúp thanh niên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; đồng thời góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng NTM tại địa phương như hiện nay.
Nhật Nam