Nghề sản xuất muối thủ công từ nước biển phụ thuộc vào yêu cầu cơ bản là độ mặn nước biển phải cao. Nhờ đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, HTX Đại Đồng đã cũng người dân khắc phục nhược điểm đó bằng phương pháp phơi cát để tăng độ mặn của nước.
Nghề gieo… nước biển
Theo đó, khi làm muối, diêm dân dẫn nước theo mương vào đến mỗi ruộng rồi tát nước vào đầy các mương nhỏ xen kẽ trong các ruộng cát “giống”, đồng thời bơm đầy bể chứa. Nước sẽ tự thẩm thấu vào các luống cát giống do diêm dân vãi ra trên các luống cát. Cuối mỗi ngày, diêm dân sẽ gom cát phơi lọc cùng nước biển, sau đó để lắng trong trước khi đem phơi thành muối.
Thông thường, nước biển có độ mặn khoảng 10‰ -15‰, trải qua công đoạn phơi cát rồi lọc thì độ mặn sẽ tăng lên khoảng 35‰ -37‰. Tùy vào ý muốn của diêm dân khi dùng nhiều hay ít nước biển để lọc mà độ mặn của nước biển thu được cao hay thấp. Nước biển lúc này được gọi là nước chạt, độ mặn nước chạt càng cao thì năng suất muối thu được sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài sử dụng bạt làm sân phơi muối, HTX Đại Đồng đã chú trọng đầu tư làm sân muối bằng xi măng. Nền sân phơi được làm từ sỉ than của các lò nung gạch, như vậy sân phơi sau khi tráng xi măng phơi muối mới không bị nứt. Sân phơi của mỗi hộ sản xuất lớn hay nhỏ tùy thuộc vào diện tích ruộng phơi cát và độ mặn nước chạt mà diêm dân dùng để phơi.
Theo tính toán từ thực tế của HTX, nếu sân phơi càng rộng và nước chạt càng mặn thì năng suất muối thu hoạch càng cao. Bên cạnh đó, yêu cầu của sân phơi muối là không được nứt, chỉ cần nứt một vết nhỏ thì nước chạt sẽ ngấm hết và công sức của diêm dân cũng mất theo.
Sân phơi muối cũng đòi hỏi cao về độ phẳng và cân bằng. Phẳng là để thuận lợi trong quá trình thu hoạch muối. Cân bằng là để nước chạt không dồn về chỗ thấp, khiến không kịp khô trong ngày, dẫn đến năng suất muối thu hoạch thấp.
Nhờ áp dụng kỹ thuật, năng suất muối có thể đạt khoảng 80tạ/ha. Hạt muối cũng trắng và sạch hơn giúp đáp ứng nhu cầu của thị trường.
![]() |
Những cánh đồng muối thu hút du khách bởi vẻ đẹp riêng (Ảnh:TL) |
Kết hợp với nâng cao chất lượng, HTX Đại Đồng còn tích cực liên kết cùng với các ngành chức năng thực hiện sản xuất muối đi đôi với phát triển du lịch làng nghề. Bởi lẽ những ruộng muối không chỉ thấm đẫm tình cảm của người dân mà còn chứa đựng những vẻ đẹp riêng. Nghề làm muối ở nơi đây lại gắn liền với di tích lịch sử cách mạng Phủ thờ Bà Chúa Muối cùng với ngành du lịch Thái Bình những năm gần đây đã phát triển nên thu hút được du khách gần xa.
Để làm được điều này, HTX đã cùng các cấp ngành đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư công trình giao thông, thủy lợi vùng muối, triển khai thực hiện dự án bảo tồn và phát triển làng nghề… nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả cũng như đời sống người làm muối.
Chú trọng an toàn lao động
Bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật để cho năng suất muối cao hơn, để giúp người diêm dân gắn bó với nghề, HTX luôn quan tâm đến yếu tố an toàn lao động (ATLĐ). Thực tế cho thấy, môi trường lao động của ngành muối rất khắc nghiệt, diêm dân luôn phải làm việc trong điều kiện nắng, nóng, (bức xạ nhiệt và bức xạ mặt trời cao). Cường độ lao động lớn nhất là khi thời tiết không thuận lợi nên dễ mất ATLĐ. Do đó cần phải có biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm môi trường làm việc cũng như tái tạo sức lao động hợp lý để ổn định sức khỏe cho thành viên và người dân.
![]() |
Nhờ mối liên kết "4 nhà" người dân vẫn gắn bó với nghề làm muối (Ảnh:TL) |
Là đơn vị dẫn dắt người dân sản xuất với mục tiêu phát triển bền vững, HTX Đại Đồng đã từng bước cải thiện điều kiện lao động cho người dân khi trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân như: áo mưa, kính chống chóa mắt, mũ (nón) rộng vành có khăn che được mặt và gáy hoặc mũ rộng vành và khăn che nắng, ủng phù hợp…
Đối với công nhân cào muối, tư thế lao động gò bó, luôn phải khom người, đi dưới nước nóng nên nhanh mệt. Chính vì vậy, thay vì dùng các trang (cào) gỗ dày và nặng để đẩy muối thành đống (1 trang đẩy muối nặng từ 150 – 200kg), HTX đã tạo điều kiện thay các trang gỗ mỏng và nhẹ hơn giúp người dân tiết kiệm sức khi làm việc dưới nắng nóng.
Đặc biệt, việc bảo vệ tay bằng các loại gang tay chuyên dụng được HTX đầu tư với mục đích chính là tránh sự cọ xát muối thô (cạnh sắc) cứa vào tay hay ngăn nước ót (có nồng độ muối cao) làm hại da tay. Việc sản xuất của người dân vì vậy cũng bớt đi phần nào nặng nhọc.
Dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng nghề làm muối ở Tam Đồng vẫn được gìn giữ và phát triển. Nhờ những HTX như HTX Đại đồng mà người dân nơi đây vẫn gắn bó với vị mặn mòi của biển để làm ra từng hạt muối trắng tinh. Có được điều đó chính là nhờ mối liên kết “4 nhà” đã được hình thành. Mong rằng khi đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển du lịch, đời sống diêm dân sẽ ngày càng được nâng cao hơn.
Huyền Trang