Minh Tiến là vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho việc trồng chè. Người dân ở đây lại có kinh nghiệm trong việc chăm sóc nên cây chè phát triển rất tốt, cho sản lượng cao.
HTX của người cựu chiến binh
Đây từng là vùng nguyên liệu chè của Nhà máy chè Phú Thọ, nhưng rồi bị bỏ mặc. Khi các xưởng chế biến chè mi ni ra đời, ở đây thường xuyên xảy ra cảnh tranh mua, tranh bán, lúc chạy hàng thì đẩy giá, lúc chính vụ lại ép giá.
Ngoài ra, các hộ trồng chè còn bị thương lái ép giá, khiến cho người trồng chè rơi vào cảnh lỗ đơn lỗ kép. Thời điểm 2008 - 2009 là đỉnh điểm của sự "xuống dốc không phanh" về giá chè búp tươi, khi chỉ có 1.700 đồng/kg.
Giá rẻ, nhưng bán được đã là may, bởi búp chè tươi hái về không ai thu mua chỉ sau hai ngày đã bốc mùi, biến chất, phải đổ ra vườn làm phân xanh.
Do đó, nhiều hộ phải đổ bỏ hàng tấn chè tươi do không tìm được đầu ra, thậm chí phá bỏ phần lớn diện tích chè, vốn là cây trồng truyền thống để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Diện tích trồng chè trên địa bàn đã thu hẹp từ 200 ha xuống còn hơn 50 ha. Nhưng hiệu quả thu được sau khi chuyển đổi cũng không được bao nhiêu.
Trước tình hình đó, người cựu chiến binh (CCB) của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 - Nguyễn Trung Thành - đã chủ động đề xuất ý tưởng phát triển kinh tế từ cây chè với Ban chấp hành Hội CCB xã để giữ được cây trồng truyền thống và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Sau quá trình lựa chọn con đường phù hợp, ông Thành cho rằng chỉ có mô hình HTX là hiệu quả hơn cả. Đầu năm 2012, ông quyết định vận động đồng đội cùng những người sản xuất chè trên địa bàn liên kết lại, thành lập HTX Chè Minh Tiến với 19 thành viên, trong đó có 9 thành viên là hội viên Hội CCB và cũng là lực lượng nòng cốt.
Ngay sau khi thành lập, HTX chè Minh Tiến đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất giữa các thành viên từ khi trồng, thu hái đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi.
HTX cũng đã ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm chè búp tươi cho công ty Chè Phú Bền. Hoạt động liên doanh liên kết trong sản xuất đã giúp HTX ổn định đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, các thành viên của HTX còn được công ty hướng dẫn kỹ thuật trong từng công đoạn sản xuất, cung ứng phân bón giúp các thành viên yên tâm trở lại với cây chè.
Giám đốc Nguyễn Trung Thành bên đồi chè của HTX |
Làm giàu từ cây chè
Sau khi được thành lập, HTX đã mạnh dạn giao hạch toán độc lập cho các hộ gia đình, HTX có trách nhiệm tìm đầu ra cho sản phẩm bằng việc ký kết hợp đồng mua bán với các nhà máy chè có uy tín trên địa bàn.
Để HTX hoạt động ổn định ngay từ đầu, ông Thành mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư mua sắm hàng loạt trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, đồng thời thành lập tổ dịch vụ bảo vệ thực vật cho cây chè, giúp thành viên yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích trồng mới.
Ông cũng thường xuyên chủ trì phối hợp với các công ty, xí nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và khu vực lân cận tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm chè.
Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, nhiều hộ sau khi tham gia HTX đã biết tương trợ giúp đỡ nhau trong các công đoạn sản xuất; mạnh dạn đầu tư cải tạo, trồng mới các giống chè có hiệu quả kinh tế cao như: PH1, PH11…
Thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, người dân có thêm nhiều kinh nghiệm trong phát triển cây chè giúp tăng sản lượng chè, từ 7 - 12 tấn/ha như trước đây lên 16 - 18 tấn/ha. Sản lượng sản xuất chè khô (thương phẩm) đạt 300 - 400 tấn/năm.
Nhờ đó, đông đảo người dân địa phương đã quyết định quay trở lại với cây chè. Nhiều diện tích bị phá bỏ trước đó giờ đã được trồng lại, sắp cho thu hoạch.
Hằng năm, HTX đăng ký nhập vào các công ty, xí nghiệp chè khu vực phía Bắc khoảng hơn 1.000 tấn nguyên liệu chè chất lượng tốt, qua đó, tạo việc làm cho phần lớn lao động địa phương, trong đó đa phần là con em hội viên Hội CCB, thu nhập bình quân đạt 5 - 6 triệu đồng/người/tháng; 15 - 20 triệu đồng/tháng/hộ.
Chưa hết, thông qua cây chè, HTX Chè Minh Tiến cũng giúp hơn 40 hộ trên địa bàn xã, trong đó có 15 hộ là hội viên Hội CCB thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, có hộ đang vươn lên làm giàu với mức thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm.
Hồng Nhung