Đến bản Bó Nhàng 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, chúng tôi chứng kiến một tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn (RAT) với chỉ hơn 20 hộ gia đình người H’Mông nhưng đã thiết lập được một mô hình liên kết sản xuất rất hiệu quả.
Anh Vàng A Sa giới thiệu quy trình nhân giống rau trong nhà lưới |
Chỉ với 1 sào đất trồng cà chua trong vụ đông, gia đình anh Lầu A Lớ, một thành viên của THT trồng RAT bản Bó Nhàng 2 vừa thu xong vụ cà chua được hơn 15 triệu đồng. Ngoài ra, 2 sào đất trồng cải bắp và củ quả đang cho thu hoạch dự kiến sẽ được thêm 10 triệu đồng nữa.
Trồng rau lợi nhuận cao gấp 5 lần trồng ngô
Hộ gia đình anh Lớ có 3 sào đất, trước đây chỉ trồng ngô, khoai sắn. Sắn hoặc ngô chỉ trồng được một vụ mỗi năm, chỉ cho lợi nhuận 2-3 triệu/năm. Nay trồng rau cũng trên diện tích đất ấy, thì mỗi vụ được hẳn 15-25 triệu đồng, mỗi năm trồng được 3 vụ rau thì lợi nhuận đạt tới 50 - 60 triệu đồng. Năm ngoái, anh đã dựng được ngôi nhà mới. Anh cho biết, 60% tiền làm nhà là tiền từ bán rau tích lũy được trong gần 3 năm qua. Cùng với anh Lớ, một số người trong THT cũng đã tu sửa, dựng mới nhà cửa trong năm vừa qua.
Chỉ với 1 sào đất trồng cà chua trong vụ đông, gia đình anh Lầu A Lớ, một thành viên của THT trồng RAT bản Bó Nhàng 2 vừa thu xong vụ cà chua được hơn 15 triệu đồng. Ngoài ra, 2 sào đất trồng cải bắp và củ quả đang cho thu hoạch dự kiến sẽ được thêm 10 triệu đồng nữa. |
THT trồng RAT bản Bó Nhàng 2 do anh Vàng A Sa làm tổ trưởng, tuy mới ra đời chưa được 3 năm nhưng đã gặt hái rất nhiều thành công. Vàng A Sa sinh năm 1985, dân tộc H’Mông, cho hay 100% dân trong bản là người H’Mông.
“Ban đầu, tôi đi vận động các hộ xung quanh cùng thành lập THT. Có 6 hộ thì 3 hộ không đồng tình, tôi bảo 3 nhà đó cứ làm thửa ruộng của họ theo cách họ vẫn thường làm. Với 3.000m2, nhóm kia trồng lúa, sau khi trừ chi phí chỉ lãi 5 triệu đồng, còn nhóm tôi có 3.000m2 nhưng chỉ một vụ đậu leo năm 2016 đã mang về 40 triệu đồng sau khi trừ hết thảy chi phí. Từ đó, cả 6 người mới họp lại, thành lập THT để liên kết cùng nhau tạo sức mạnh. Đến thời điểm hiện tại, kết thúc năm 2019, THT đã có hơn 20 thành viên”, anh Sa chia sẻ.
Theo anh Sa, đang quen với cách gieo trồng kiểu cũ, chuyển sang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, không ít bà con ban đầu thấy nản. Thế nhưng sau một thời gian thử thách, cuối cùng THT đã trồng thành công RAT. Tính ra lợi nhuận thu về gấp 5 - 7 lần trồng lúa, ngô.
Tổ trưởng Vàng A Sa cho biết sản xuất rau an toàn có thu nhập cao hơn trồng lúa và ngô từ 5 - 7 lần |
“Trước đây, nếu trồng lúa cả năm mới được 1 vụ, thu nhập chỉ được hơn 10 triệu đồng, nhưng kể từ khi trồng rau, thu nhập của gia đình đã tăng gấp nhiều lần. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi để dư được 60 - 70 triệu đồng. Đây thực sự là số tiền lớn đối với chúng tôi”, anh Sa nói.
Dự án “Cải thiện sinh kế ở Myanmar và Việt Nam thông qua chuỗi giá trị rau”, triển khai từ năm 2015 - 2019 của Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Úc (ACIAR) đã hỗ trợ THT rất nhiều. Trước hết, cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật cầm tay chỉ việc, ghi chép nhật ký. Dự án cũng hỗ trợ một số trang thiết bị vật tư nông nghiệp, trong đó có nhà ươm 96m2 màng lưới để nhân giống, mỗi vụ cho ra 3 vạn rau cây giống. THT đã học được kỹ thuật trồng cây giống trong bầu nên sản phẩm sản xuất ra có độ đồng đều hơn, mỗi lứa rau rút ngắn được 7-13 ngày tùy chủng loại rau và năng suất RAT cao hơn.
Anh Bùi Văn Tùng, cán bộ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Tây Bắc, một trong những đơn vị tham gia dự án của ACIAR, cũng là người trực tiếp “cầm tay chỉ việc” nông dân ở đây trồng rau, kết nối tiêu thụ nông sản, nhớ lại: “Thời gian đầu vất vả, nhất là lúc vận động người dân thay đổi tập quán canh tác. Trước đây, bà con canh tác theo kiểu cũ đơn giản, cả tháng mới ra đồng một lần, giờ trồng rau ngày nào cũng phải ra ruộng tưới nước, bón phân, rồi ghi nhật ký. Thêm vào đó còn có đoàn giám sát, nếu làm không đúng là không tiêu thụ rau được. Ban đầu rau rất xấu, hư hỏng nhiều không bán được, nhiều người mất niềm tin nên bỏ cuộc. Tuy nhiên, may mắn là nhiều nông dân cũng kiên trì bám trụ nên dần dần mới hình thành được vùng sản xuất RAT”.
Được Big C bao tiêu toàn bộ sản phẩm
Cách đây vài năm, Central Group Việt Nam và hệ thống siêu thị Big C có sáng kiến triển khai Chương trình “Sinh kế cộng đồng”, với mục tiêu nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hộ gia đình nghèo sống ở các xã khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Triển khai chương trình tới các hộ nông dân sẽ giúp họ tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong hệ thống siêu thị của Big C Việt Nam.
Anh Vàng A Sa mua một xe tải để vận chuyển rau của cả tổ hợp tác về giao cho siêu thị BigC Hà Nội |
Nắm được nội dung của chương trình, nhóm cán bộ tham gia dự án “Cải thiện sinh kế ở Myanmar và Việt Nam thông qua chuỗi giá trị rau”, đã kết nối THT trồng RAT bản Bó Nhàng 2 được tham gia Chương trình “Sinh kế cộng đồng”. THT này đã bắt đầu thực hiện cung ứng sản phẩm vào hệ thống siêu thị Big C từ tháng 6/2018. Từ đó, THT trồng RAT bản Bó Nhàng 2 đã đi vào cung ứng ổn định và có sự gia tăng nhanh chóng về quy mô, doanh thu. Hoạt động sản xuất và tiêu thụ RAT của các thành viên trong THT đã thu hút các hộ khác trong xã và số hộ tham gia ngày càng tăng theo thời gian, đúng tinh thần ban đầu của THT đã đề ra là tất cả các hộ tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Năm 2018, anh Sa dùng lợi nhuận từ bán rau mua một xe tải để vận chuyển rau của cả THT về giao cho siêu thị BigC ở Hà Nội. Mỗi lần giao hàng rau tại tổng kho của Big C, anh có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu rau của nhà phân phối và học hỏi từ các nhà cung cấp khác, cũng như đã biết tính toán nhiều hơn nên đã chủ động lập kế hoạch gia tăng chủng loại sản phẩm. Đồng thời, tổ trưởng THT cũng đã biết kết hợp thu mua thêm các sản phẩm khác ngoài rau như mận cơm, mận hậu từ các thành viên trong THT để cung ứng cho Big C và một số khách hàng ở Hà Nội, nên hiệu quả của một chuyến hàng được nâng cao. Thấy được tiềm năng cung ứng của THT, hệ thống Big C đã trợ giúp trong khâu thiết kế tem sản phẩm cho THT trồng RAT bản Bó Nhàng 2. Từ tháng 5/2019, THT đã được cấp tem dán cho 4 sản phẩm (cà chua, cải bắp, đậu cô ve và su su).
Chu Khôi