Nhận thấy vai trò của kinh tế hàng hóa trong công tác giảm nghèo, chính quyền huyện Ngọc Lặc đã ban hành đề án: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2021, định hướng đến năm 2025” nhằm phát triển các mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao
Điều mà Ngọc Lặc tự tin về mô hình sản xuất hàng hóa sẽ là nền tảng vững chắc trong công tác giảm nghèo vì điều kiện tự nhiên nơi đây thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và có thể thu hút được các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia, từ đó sẽ từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Để người dân nơi đây từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao là điều không hề đơn giản. Chính quyền địa phương đã phải mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng mời các chuyên gia về để hỗ trợ người dân, HTX sản xuất khoa học từ những bước ban đầu.
Các chính sách về vốn, chuyển đổi đất, hỗ trợ đầu ra, quảng bá sản phẩm cũng được huyện chú trọng thực hiện đã khiến các HTX, người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Mô hình trồng dưa công nghệ cao của HTX Minh Sơn |
Xã Minh Sơn từng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Tuy nhiên, với mục tiêu vươn lên thoát nghèo, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới quy mô 0,2 ha trên địa bàn xã là một ví dụ điển hình. Mô hình này do HTX Nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn đứng lên dẫn dắt người dân. HTX đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ đầu vào, đầu ra.
Giống dưa vàng Kim Hoàng Hậu trồng theo kỹ thuật công nghệ cao, vì thế đã phát huy tác dụng về giá trị kinh tế. Với sản lượng khoảng 6,5 tấn/vụ, giá bán tại ruộng là 40.000 đồng/kg, có thể mang về lợi nhuận cho HTX ít nhất là 100 triệu đồng/vụ, trong khi trồng dưa trong nhà lưới có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm.
Hiện, HTX còn phát triển diện tích ngô ngọt cung cấp cho doanh nghiệp. Hoạt động hiệu quả, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và không ít lao động. Người lao động cũng được làm việc trong môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe.
Hay trên địa bàn một số xã 135 đã xuất hiện những mô hình chăn nuôi hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật và sản xuất, như trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi công nghệ cao quy mô 4,9 ha, công suất 936.000 con/năm ở xã Minh Tiến của CTCP Giống và phát triển chăn nuôi Thọ Xuân. Hay trang trại chăn nuôi gà quy mô 8,2 ha, công suất gần 2 triệu con/năm ở xã Lam Sơn của Công ty Phú Gia; mô hình trồng vải không hạt Nhật Bản và bơ Israel quy mô gần 30 ha ở xã Kiên Thọ của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm.
Tất cả các đơn vị này đều thuê đất của người dân và trực tiếp tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Người dân cũng rất phấn khởi vì có thể mở mang điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập trên chính diện tích sản xuất của mình.
Hiệu quả giảm nghèo
Qua các mô hình sản xuất cho thấy, phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Năm 2019 vừa qua, toàn huyện đạt bình quân 14,24 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 8 xã và 91 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,04 triệu đồng (tăng 3,84 triệu đồng so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,02%... Đến nay, nhiều hộ dân cũng không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước.
Ngọc Lặc đang hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển diện tích bơ công nghệ cao để giảm nghèo |
Để tiếp tục nâng cao thu nhập cũng như giúp người dân các xã giảm nghèo hiệu quả, mục tiêu của huyện là tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi và trồng trọt những cây, con mới phù hợp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, bao gồm cả công nghệ cao.
Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo về y tế, giáo dục, tập huấn khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo, hỗ trợ các điều kiện sản xuất, cây, con giống cho hộ nghèo theo quy định của Chính phủ.
Với những giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, hy vọng huyện Ngọc Lặc sẽ đạt được những kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo trong thời gian tới, từ đó góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Như Yến