Là huyện miền núi và vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nên diện tích đồi núi lớn. Tận dụng điều này, những năm gần đây, huyện đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng để từng bước giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập.
Phát triển lâm nghiệp
Trước đây, người dân Bảo Lạc không quan tâm đến phát triển kinh tế rừng mà chỉ tập trung tận dụng những giá trị của rừng để phục vụ cuộc sống. Trồng rừng đã khó, trồng rừng để phát triển kinh tế, để thoát nghèo càng khó hơn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, sau nhiều năm khó khăn trong việc xác định ngành nghề để phát triển sản xuất, giúp người dân giảm nghèo, đến nay, huyện nhận thấy phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như kinh nghiệm, nhận thức của người dân. Đồng thời, Bảo Lạc có 91.907 ha diện tích tự nhiên, trong đó diện tích lâm nghiệp chiếm tới 89,9%, là nền tảng vững chắc để phát triển lâm nghiệp.
Trồng trúc giúp nhiều hộ giảm nghèo |
Xuất phát từ thực tế, những năm gần đây, huyện tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi, rừng, chú trọng phát triển vùng nguyên liệu trúc sào, hồi, quế..., là những cây có giá trị kinh tế cao.
Để phát triển sản xuất, huyện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng trúc sào tại các xã: Huy Giáp, Đình Phùng, Hưng Đạo, Sơn Lộ... Từ năm 2016 đến nay, huyện trồng mới 41 ha trúc, nâng diện tích trúc sào toàn huyện lên 1.892,86 ha, diện tích khai thác ổn định 800 ha.
Huy Giáp là xã có nhiều trúc sào nhất huyện. Từ năm 2011 đến nay, xã lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn hỗ trợ để người dân mua giống mở rộng diện tích trúc sào.
Xã đã cùng huyện mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng đất đồi núi, đất bỏ hoang và chuyển đổi diện tích trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng trúc sào.
Do đó, diện tích trúc sào của xã hàng năm đều tăng: năm 2011, toàn xã có 650 ha trúc sào, đến nay tăng lên 1.032,5 ha, trong đó diện tích được khai thác 721 ha, bình quân tăng hơn 60 ha/năm. Điều đặc biệt là mô hình trồng trúc sào đã thu hút sự tham gia của doanh nghiệp nên việc trồng bao nhiêu, thu hoạch, giá cả như thế nào đều rõ ràng.
Hàng năm, cả xã xuất bán bình quân 1.000 xe trúc, thu nhập 9 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ trồng trúc sào theo hướng hàng hóa, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 xuống còn 27,9%.
Cùng với cây trúc sào, huyện quy hoạch vùng trồng hồi, quế tại các xã: Cốc Pàng, Thượng Hà, Hưng Thịnh, Cô Ba... Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện trồng mới 40 ha hồi, nâng diện tích hồi toàn huyện lên 1.810 ha, thu nhập từ chưng cất tinh dầu hồi bình quân từ 60 - 120 triệu đồng/ha; diện tích quế 163 ha hiện đã đến tuổi khai thác, thu nhập từ 1,8 - 2 tấn vỏ quế tươi, sản lượng bình quân đạt 300 tấn/năm. Bình quân 1 ha hồi khai thác chưng cất được 150 lít dầu, thu nhập đạt 120 triệu đồng/ha.
Có thể thấy từ phát triển lâm nghiệp, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá từ hàng chục triệu đến trăm triệu đồng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống kinh tế, giảm nghèo.
Phát triển diện tích cây ăn quả
Chú trọng phát triển một số cây ăn quả đặc sản, đặc hữu của địa phương như: lê vàng, lê xanh, mận máu cũng là hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở Bảo Lạc.
Hiện, trên địa bàn các xã Phan Thanh, Khánh Xuân, Xuân Trường, Hồng An, Huy Giáp, Đình Phùng, Sơn Lập, Sơn Thịnh đã chú trọng phát triển cây ăn quả đặc trưng. Đến nay, toàn huyện đã có 22 ha mận máu, 13 ha lê trên đất đồi, đất vườn để nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững, ổn định cho người dân, duy trì được các loại cây ăn quả đặc sản, đặc hữu của địa phương.
Từ những hướng đi đúng và sự quan tâm của các cấp, ngành đã hỗ trợ, đầu tư cho địa phương, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế địa phương.
Mận máu cũng là cây được người dân tập trung phát triển để giảm nghèo |
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, hiện nay, huyện Bảo Lạc tập trung quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất đồi, rừng. Tiếp tục nhân rộng những mô hình có hiệu quả, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế đồi, rừng và khuyến khích người dân đưa những giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyện tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị, hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng thế mạnh của địa phương như: trúc sào, hồi, quế, lê, mận máu...
Điều khó khăn hiện nay là trên địa bàn huyện có rất ít mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Đây là điểm nghẽn khiến người dân một số địa phương vẫn chưa tiếp cận được phương thức sản xuất hàng hóa khoa học và chưa tìm được điểm tựa vững chắc trong quá trình phát triển kinh tế. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện cần đẩy mạnh thành lập và hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX để mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác giảm nghèo.
Huyền Trang