Đại Thạnh từng nổi danh là vùng trồng chè xanh An Bằng với diện tích có thời kỳ lên tới gần 100ha. Chè xanh An Bằng sinh trưởng, phát triển tốt trên loại đất feralit đỏ vàng, lá chè nhỏ, hơi vàng, giòn, thơm đậm, có vị chát, đẹp màu.
Khôi phục thương hiệu
Đại Lộc đang hướng tới sản xuất chè An Bằng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm (Ảnh: Tư liệu) |
Hiện, làng trồng chè Đại Thạnh chỉ còn khoảng 100 hộ trồng chè rải rác với gần 30ha, trong đó khoảng 20ha tập trung tại thôn An Bằng, còn lại ở Tây Lễ, Mỹ Lễ. Nguyên nhân khiến diện tích giảm sút nghiêm trọng có rất nhiều, đó là thương hiệu chè An Bằng dần mai một theo thời gian, sức tiêu thụ trên thị trường yếu, sự thoái hóa giống và suy giảm năng suất do người dân ít chú trọng thâm canh, chăm sóc, sự lấn át của cây keo...
Cùng với đó, nguyên nhân chính là sản phẩm chè xanh còn đơn điệu, chỉ độc một mặt hàng chè tươi, làng nghề chưa chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc sơ chế, chế biến, tạo nhiều sản phẩm đặc hữu, mới lạ từ chè xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.
Nhận thức được tiềm năng phát triển và thương hiệu của chè xanh An Bằng, đầu năm 2019, anh Ngô Văn Chi (Đại Thạnh) đã mạnh dạn cùng 6 thành viên khác đứng ra thành lập HTX Đại Thạnh Phát, do anh Chi làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.
Anh Chi chia sẻ: “Tôi muốn cùng với địa phương khôi phục lại thương hiệu vùng chè Đại Thạnh, cũng là lưu giữ nét đẹp của một vùng quê, một làng nghề có tuổi đời hơn 100 năm. Quan trọng hơn là HTX sẽ liên kết phát triển vùng chè nguyên liệu, phát triển thêm một số sản phẩm được chế biến từ chè, bên cạnh sản phẩm chè tươi vốn tiêu thụ nhỏ lẻ hiện nay”.
Cũng trong năm 2019, HTX Đại Thạnh Phát được chọn triển khai Dự án sản xuất chè An Bằng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm do UBND xã Đại Thạnh hỗ trợ.
Mục tiêu dự án hướng tới là xây dựng thương hiệu chè An Bằng, nhân rộng mô hình sản xuất chè xanh An Bằng ra vùng có thổ nhưỡng phù hợp, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất và chế biến sâu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.
Liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm
Chè bancha An Bằng được đóng gói, dán nhãn sau sản xuất để đưa đi tiêu thụ (Ảnh: Tư liệu) |
Theo đó, HTX đã đứng ra ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống chè cho nông dân trồng dặm trên diện tích chè đã trồng trước đó. Đồng thời, thu mua nguyên liệu, tự sản xuất để tạo ra các sản phẩm ban đầu như: chè tươi truyền thống, cao chè, bột chè xanh matcha, bancha mang thương hiệu chè An Bằng. Đây là những sản phẩm được thị trường ưa chuộng rộng rãi.
Ngoài ra, HTX còn chú trọng việc ứng dụng các tiến bộ KHKT trong khâu sản xuất như quá trình tưới tiêu sử dụng hệ thống tưới tự động; đóng gói, gắn nhãn mác, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Người dân sẽ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống, phân bón, hệ thống tưới… Đặc biệt, người sản xuất phải tuân thủ quy trình sản xuất cây chè theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT. HTX cũng sẽ phổ biến quy trình sản xuất từ đào hố, bón phân, trồng chè. Không chỉ tập huấn kỹ thuật trồng chè, người dân tham gia dự án còn được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật đóng gói sản phẩm chè tươi, đóng gói sản phẩm chè khô sau sản xuất.
Để tạo sản phẩm chè khô, nguyên liệu chè tươi sau khi thu hoạch, sơ chế, rửa sạch, phơi khô, được sao duyệt men, vò sàng tơi, sấy lạnh, phân loại, đấu trộn, đóng hộp, tạo sản phẩm chè thành phẩm đóng gói, dán nhãn, đưa đi tiêu thụ. HTX đang nỗ lực tìm hướng đi mới trong việc tạo sản phẩm cao chè, bột chè xanh matcha, bancha mang thương hiệu chè An Bằng.
Trong năm 2020, HTX sẽ hợp đồng bao tiêu 5ha sản phẩm chè xanh An Bằng và tiếp tục mở rộng thu mua sản phẩm chè tươi cho nông dân. Mỗi héc ta chè xanh An Bằng thu hoạch được 20 tấn chè tươi, thu nhập đem lại cho người trồng chè đạt 200-300 triệu/ha/năm. Đối với sản phẩm chè bancha, mỗi ký chè có giá 300.000 đồng. HTX đang nhập máy móc, thiết bị để tạo sản phẩm chè matcha (chè bột) thí điểm để cung ứng cho thị trường rộng lớn, siêu thị, cửa hàng thực phẩm.
“Dự án đang trong giai đoạn xây dựng, khó khăn vẫn còn nhiều, song với quyết tâm, nỗ lực của HTX thành viên, hy vọng vùng chè xanh An Bằng sẽ hồi sinh trên mảnh đất Đại Thạnh. Đó là cơ hội để sản phẩm đa dạng hóa, được hoàn thiện, đầu ra và thị trường được từng bước mở rộng, giá trị và chất lượng của sản phẩm được nâng lên, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa”, anh Chi cho hay.
Đan Nam