Theo ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà An, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Hoà An đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch tập trung vào thế mạnh là trồng trọt và chăn nuôi.
Huyện triển khai trồng nhiều loại cây hoa màu, tạo thu nhập cho người dân. Hiện, toàn huyện có 4 loại cây chủ lực như cây thuốc lá, cây lúa, rau màu và đậu, đỗ tương: Trong đó, cây thuốc lá đã thực hiện hơn 30 năm nay, đã có doanh nghiệp đầu tư bao tiêu thu mua. Thứ hai là cây lúa, Hoà An được coi là vựa lúa của tỉnh. Những năm gần đây, tỉnh cũng có những dòng lúa chất lượng cao. Ngoài lúa thuần theo thời vụ, huyện triển khai thêm lúa giống mới JS2 của Nhật Bản với mô hình liên kết chuỗi. Thứ ba là cây rau màu, có 5 xã thuộc trung tâm huyện lỵ với địa thế thuận lợi, sát với sông Bằng Giang được bù đắp phù sa lâu năm, có thể phát triển trồng rau màu và cung cấp cho thị trường ngay thị xã. Thứ tư là cây họ đậu, như đỗ tương, đỗ đen, đỗ xanh...
Về chăn nuôi, huyện tập trung chăn nuôi lợn và gà. Trước dịch tả, tổng đàn gần 48.000 con, hiện nay 20/21 xã còn 17.000 con.
Từ năm 2018, huyện hợp tác với Công ty TNHH Tư vấn Môi trường và Nông nghiệp (Công ty DACE) chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển 2 loại cây là ớt và gừng. Năm đầu tiên 2018 mới triển khai một diện tích nhỏ - mô hình thí điểm trước. Sau năm 2019 sẽ triển khai một kế hoạch xa hơn, đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hai bên, trong đó có từng nhóm hộ dân và từng UBND xã.
Ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà An hướng dẫn bà con chăm sóc cây ớt |
Đầu năm 2019, phối hợp với Công ty DACE, huyện bắt đầu triển khai trồng nhưng bà con nông dân vẫn còn đang thăm dò, nhìn nhau làm. Ban đầu đăng ký triển khai 20ha trồng gừng, nhưng hiện triển khai mới được 12 ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà An và Giám đốc công ty DACE tận tình chỉ bảo bà con canh tác |
Đối với ớt, ngay từ năm 2018, huyện và Công ty DACE đã kết hợp thí điểm trồng trên diện tích 2,2 ha ở xã Hồng Việt, sau đó sẽ nhân rộng ra các vùng khác trong huyện.
Ớt là cây trồng ngắn ngày, từ lúc trồng đến thu hoạch 4 tháng. Ngoài lợi thế đó, ớt phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Hoà An, cho giá trị kinh tế cao.
Khí hậu thổ nhưỡng của Hoà An rất hợp với trồng ớt |
“Đầu tư 1ha ớt chi phí hết 45 triệu đồng, doanh thu 125 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí thì người nông dân cầm về 79 triệu đồng/1ha”, ông Hưởng nói.
Lãnh đạo huyện Hoà An cho biết, dự kiến năm 2020, huyện sẽ phát triển diện tích trồng ớt lên 20ha, gừng hơn 100ha với mục tiêu chuyển đổi canh tác sang hướng hữu cơ và Công ty DACE sẽ đảm bảo thu mua hết sản phẩm từ vùng nguyên liệu này.
Bà Đàm Thị Thiên, thôn Vò Rài, xã Hồng Việt, huyện Hoà An là tổ trưởng tổ hợp tác trồng ớt của thôn, với 34 hộ tham gia, tổng diện tích 2,7 ha. Đây là vụ thứ hai, bà con ở đây trồng ớt.
Bà Đàm Thị Thiên cùng các thành viên trong tổ hợp tác bắt sâu và nhổ cỏ cho ớt |
Bà Thiên cho biết, ớt là cây có giá trị kinh tế cao, không lo đầu ra sản phẩm, công ty vào tận ruộng thu mua với giá 9.000 đồng/kg.
Bà con ở đây được công ty và huyện hướng dẫn cách trồng và chăm sóc ớt - cây gia vị mang giá trị kinh tế cao của huyện, giúp bà con xoá đói giảm nghèo.
Minh Trang