Hà Quảng có tỉ lệ hộ nghèo cao lên tới 66% và xã Thượng Thôn cũng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Nhưng bằng nội lực và kết hợp với các doanh nghiệp xã hội, huyện đang từng bước giúp dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Xác định mũi nhọn nuôi trồng
Nằm trong diện 62 huyện nghèo nhất của cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đây, khi chính quyền địa phương chưa triển khai cây trồng vật nuôi theo chuỗi giá trị, người dân Thượng Thôn ai mạnh gì thì trồng cây đấy, nuôi con đấy, nhưng đa phần là trồng ngô. Một phần vì chưa có định hướng, phần khác là do địa hình núi đá, thiếu nước. Nhưng từ khi chính quyển đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, thì làng quê nơi đây trù phú hơn.
Là một trong những xóm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua, xóm Chàng Đỉ, xã Thượng Thôn có 20/44 hộ trồng gừng, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Anh Hoàng Văn Sỹ, xóm Chàng Đỉ, chia sẻ trước đây gia đình anh có hoàn cảnh rất khó khăn, quanh năm chỉ trồng ít ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2017, gia đình anh chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Thấy hiệu quả, hiện nay gia đình vỗ béo 2 - 3 lứa trâu, bò, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Từ năm 2018, gia đình anh trồng thêm hơn 500 m2 gừng trâu, hiện nay diện tích gừng đang phát triển rất tốt.
“Nhờ thu nhập ổn định từ vỗ béo trâu, bò, gia đình tôi đã có đủ tiền để dựng nhà mới. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục vỗ béo trâu, bò, mở rộng diện tích trồng gừng trâu để tăng thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững”, anh Sỹ nói.
Bà Lã Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn cho biết, với địa hình đồi núi hiểm trở, chia cắt, nhiều xóm xa khu vực trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác, 15/15 xóm thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, thiếu đất canh tác và chủ yếu trồng ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ và việc tiếp cận nguồn vốn và các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp những khó khăn nhất định. Đây là những nguyên nhân và cũng là rào cản lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Với quyết tâm vươn lên giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, cán bộ xã xác định trồng gừng trâu và vỗ béo trâu, bò là mũi nhọn để giảm nghèo theo hướng bền vững.
Trước đó, cây gừng đã được nhân dân trong xã trồng từ lâu bởi chịu được khô hạn, phát triển khá tốt, nhưng chủ yếu chỉ trồng để dùng trong sinh hoạt và bán lẻ vào các ngày chợ phiên. Những năm gần đây, huyện Hà Quảng triển khai mô hình “Sản xuất và tiêu thụ gừng trâu theo hướng xuất khẩu” nhằm phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai ở các xã vùng cao.
Bà con Hà Quảng tích cực chuyển đổi cây trồng (Ảnh: Internet) |
Mở rộng diện tích trồng trọt
Để triển khai được chương trình nông nghiệp mũi nhọn, huyện Hà Quảng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với công ty, UBND xã Thượng Thôn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chỉ đạo sản xuất từ khâu gieo giống, chăm sóc và giám sát quá trình sinh trưởng phát triển của cây; chú ý các loại dịch bệnh để đảm bảo năng suất, chất lượng theo yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm gừng trâu.
Do đó, từ diện tích trồng thử nhỏ lẻ, qua hiệu quả đem lại, xã tập trung phát triển trồng gừng trâu để góp phần giảm nghèo. Năm 2018, xã có hơn 200 hộ trồng hơn 8 ha gừng trâu, sản lượng đạt khoảng 120 tấn; tổng thu hơn 700 triệu đồng, nhiều hộ thu nhập 20 - 30 triệu đồng nhờ trồng gừng, giá trị cây gừng cao gấp 2 - 3 lần so với cây ngô. Vụ 2019, xã trồng 12 ha gừng trâu, hiện đang phát triển tốt.
Ngoài mở rộng diện tích trồng gừng trâu, xã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.
Đồng thời, từ nguồn vốn Chương trình 30a, hỗ trợ cho 21 hộ mua bò sinh sản và nhờ nguồn vốn vay thông qua các tổ chức hội, các ngân hàng, nhiều hộ dân đã tập trung chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò trung bình mỗi năm từ 2 - 3 lứa, cho thu nhập trung bình từ vài chục triệu đồng/hộ, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Toàn xã hiện có hơn 1.300 con trâu, bò, hơn 2.400 con lợn.
Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, đời sống người dân dần được nâng lên, nhiều hộ có điều kiện mua sắm xe máy, máy cày bừa cùng nhiều vật dụng thiết yếu cho gia đình. Năm 2018, xã giảm được 3,5% số hộ nghèo, còn 330 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo.
Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, tập trung tận dụng nguồn vốn vay hỗ trợ từ các chương trình, dự án, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển mô hình vỗ béo trâu, bò và mở rộng diện tích trồng gừng trâu. Mục tiêu hết năm 2019 sẽ giảm khoảng 5% hộ nghèo, nâng tổng thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên 20 triệu đồng/năm.
Phạm Minh