Người dân Thông Nông trồng rừng |
Tận dụng chính sách hỗ trợ về giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Thông Nông đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên nhận thấy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, huyện tập trung định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng lợi nhuận, giúp người dân giảm nghèo.
Tăng cường liên kết
Nằm cách trung tâm tỉnh Cao Bằng hơn 40km, dân số khoảng 23.000 người thuộc 5 dân tộc: Tày, Nùng, Mông Dao, Kinh (chỉ có 72 hộ là người dân tộc Kinh, chiếm 7% dân số), Thông Nông là huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn đang thừa hưởng chính sách từ Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Do địa hình không thuận lợi, đa phần là núi đá, Thông Nông không có tiềm năng về công nghiệp, nông nghiệp chiếm 80% tỷ trọng kinh tế. Mặc dù có 14km đường biên giới giáp Trung Quốc, 31 cột mốc biên giới, nhưng hầu hết là địa hình núi đá nên Thông Nông cũng không có tiềm năng về cửa khẩu. Khó khăn về mọi mặt cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến huyện chưa phát triển mạnh mô hình kinh tế tập thể, đi đầu là HTX, Tổ hợp tác.
Tuy nhiên những năm gần đây, người dân đã biết lên kết, cùng nhau làm ăn, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất bằng các mô hình liên kết nhóm, câu lạc bộ. Phương thức liên kết này cũng chính là nền tảng để nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy knh tế hàng hóa phát triểnđồng thời là động lực để hình thành và phát triển các HTX, Tổ hợp tác.
Câu lạc bộ (CLB) nuôi ong huyện Thông Nông là một ví dụ điển hình. Từ khi thành lập đến nay, CLB có thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ giảm nghèo bền vững.
Nhận thấy Thông Nông có diện tích phần lớn là đồi rừng thuận lợi cho nghề nuôi ong, Trung tâm Nghiên cứu phát triển ong Trung ương đến một số hộ nuôi ong tại các xã: Đa Thông, Cần Yên, Lương Thông khảo sát địa hình phù hợp để nuôi ong. Từ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi, quản lý đàn ong, hỗ trợ đàn ong giống, duy trì nhóm nuôi ong của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông, huyện đã thành lập CLB nuôi ong và thu hút được 20 người tham gia. Mỗi thành viên CLB được hỗ trợ 2 thùng ong.
Chị Nông Thị Hồng, xóm Bản Giàng, xã Đa Thông, Phó Chủ nhiệm CLB nuôi ong Thông Nông, cho biết thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên chị gặ nhiều khó khăn trong nuôi ong. Sau khi tham gia CLB, đến nay chỉ đã có đủ kiến thức để phục vụ sản xuất. Cứ 100 thùng ong cho khoảng 400 lít mật và cho thu nhập trung bình 100 triệu đồng.
Hiện, CLB đã thu hút được 30 người tham gia. Mỗi thành viên của CLB đều được hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau nhân rộng đàn ong. Ban Chủ nhiệm CLB thường xuyên giám sát chất lượng ong, kịp thời khắc phục những vướng mắc của từng người và tích cực liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm.
CLB là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giảm nghèo. Thời gian tới, CLB tiếp tục tập hợp thêm nhiều thành viên để thành lập HTX nuôi ong nhằm nâng cao chất lượng mật, tạo thương hiệu mật ong của địa phương.
Hay mô hình chăn nuôi của nhóm hộ nông dân xã Bình Lãng cũng đã thu hút được 20 hộ tham gia. Ngoài được hỗ trợ vay vốn, các hộ gia đình còn được tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi trâu sinh sản, phòng trừ dịch bệnh và hướng dẫn cách trồng cỏ voi, ủ chua, dự trữ thức ăn chăn nuôi và phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Việc tiêm phòng cũng được thực hiện theo định kỳ.
Khi được tham gia nhóm chăn nuôi, các hộ đã thay đổi tập quán chăn nuôi. Việc trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất cũng diễn ra thường xuyên nhất là việc hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật trồng cỏ voi, hỗ trợ đầu ra…
Tại Nông, mô hình CLB sản xuất, sinh hoạt đang diễn ra ở hầu khắp các xã. Khi tham gia các CLB, người dân mạnh dạn hơn khi đưa ra các ý kiến, sáng kiến đề xuất trong sản xuất, sinh hoạt; nhận thức của bà con cũng được nâng cao hơn.
Phát triển kinh tế rừng
Ô hình trồng rừng trên đất hộ gia đình đã được huyện phát triển từ năm 2017. Đến nay đã thu hút được 610 hộ (tương đương 3110 người) tham gia phát triển rừng, tạo sinh kế.
Không chỉ trồng các loại gỗ (keo tai tượng, thông mã mỹ, sa mộc, lát hoa), huyện còn hướng dẫn người dân trồng gừng hữu cơ, trồng gừng dưới tán rừng. Đặc biệt, huyện đã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra của diện tích gừng cho người dân nên đã góp phần nâng cao thu nhập.
Còn về đầu ra cho cây gỗ, hiện nay tỉnh Cao Bằng cũng đang xây dựng nhà máy chế biến gỗ và Thông Nông cũng là vùng nguyên liệu nên việc đầu ra chắc chắn được đảm bảo.
Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa dựa vào thế mạnh địa phương. Đời sống người dân đã được nâng cao. Huyện phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 5%.
Như Yến