Hóa Thượng cũng là một trong những xã đầu tiên của huyện Đồng Hỷ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Sau hơn 3 năm, xã đang chuyển mình với những con đường được mở rộng, đổ bê tông thoáng đãng, những vườn cây trái trĩu quả, nương chè xanh mướt, nhiều nhà cao tầng thay thế nhà tranh…
Lên đời sản phẩm OCOP
Với lợi thế về giao thông, địa lý, xã Hóa Thượng có nhiều lợi thế để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Toàn xã đang có gần 50 HTX, doanh nghiệp hoạt động, 3 làng nghề truyền thống, 245 hộ kinh doanh cá thể…
Miến dong Việt Cường đang là sản phẩm OCOP 4 sao của xã Hóa Thượng (Ảnh TL). |
Nằm trong làng nghề miến Việt Cường, HTX miến Việt Cường đang là điển hình trong phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Hóa Thượng.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Ba cho biết từ khi được thành lập, các khâu sản xuất của HTX được thay bằng máy móc giúp giảm sức lao động, gia tăng năng suất, thu nhập và đầu ra ổn định.
Năm 2019, sản phẩm miến dong Việt Cường tham gia Chương trình OCOP và được đánh giá 4 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, thương hiệu miến dong Việt Cường được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến và tin dùng.
Đến nay, bình quân mỗi năm HTX cung cấp 500 tấn miến ra thị trường, với doanh thu trên 10 tỷ đồng. Miến dong Việt Cường đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn và các đại lý phân phối trong cả nước.
Năm 2020, HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm giàn máy phơi miến tự động và phát triển thêm một số sản phẩm miến mới.
“Mục tiêu của chúng tôi là đưa sản phẩm Miến dong Việt Cường sớm tham dự đánh giá sản phẩm OCOP của Trung ương để có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Văn Ba nhấn mạnh.
Bên cạnh miến dong, chè cũng là sản phẩm thế mạnh của xã Hóa Thượng, với các làng nghề, HTX hoạt động hiệu quả như HTX chè Sông Cầu, làng nghề chè Văn Hữu…
Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh phát triển sản phẩm miến dong Việt Cường để tham gia OCOP của Trung ương, xã sẽ hoàn thiện sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội
Những thành công trong xây dựng nông thôn mới cùng hiệu quả của chương trình OCOP đang giúp xã Hóa Thượng đổi mới toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân.
Nông thôn mới đang giúp kinh tế - xã hội xã Hóa Thượng thay da đổi thịt (Ảnh TL). |
Nếu như trước đây, xã chỉ tập trung vào cây lúa thì giờ phát triển mạnh về chăn nuôi, trồng cây ăn quả, chè. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh chè, lúa cao sản, rau, quả…
Giá trị sản phẩm nông nghiệp bình quân của xã đạt 80 triệu đồng/ha/năm, (trong đó có 30 ha rau màu đạt 120 triệu đồng/ha/năm).
Cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Giao thông cơ bản thuận lợi, góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thu nhập bình quân đầu người toàn xã tăng từ 30 triệu đồng/người/năm (vào năm 2017, khi mới được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới), lên mức xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm (ở thời điểm hiện tại).
Hiện, khu hành chính mới của huyện Đồng Hỷ đang được xây dựng trên địa bàn xã Hoá Thượng. Ngoài ra, theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2035, Hóa Thượng cũng là một trong 6 xã trên địa bàn tỉnh được xúc tiến xây dựng đô thị loại V.
Do vậy, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa.
Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cũng sẽ được xã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, thu hút sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhật Minh