Xuất phát điểm với chỉ 3 sản phẩm OCOP hạng 4 sao được UBND tỉnh công nhận đợt 1 năm 2019, đến nay huyện Trực Ninh đã có 10 đơn vị, với 19 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh năm 2020. Đây chính là một trong những "điểm tựa" giúp huyện đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Những bước tiến của OCOP
Trực Ninh được xác định là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh Nam Định. Vì vậy, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện đã tổ chức sớm công tác dồn điền đổi thửa, phát huy vai trò của các HTX, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tổ chức các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Trực Ninh đang đạt được nhiều thành công tích cực. |
Huyện cũng chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.
Đặc biệt, những năm qua, huyện xác định hiệu quả của chương trình OCOP là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
Theo đó, từ giữa năm 2019 đến nay, huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu, tổ chức tập huấn hướng dẫn nội dung chương trình OCOP đến các xã, thị trấn, các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình.
Đến nay, đã có 10 đơn vị sản xuất với 19 sản phẩm tiêu biểu được huyện chọn tham gia Chương trình OCOP của tỉnh năm 2020.
Bên cạnh các doanh nghiệp, hộ sản xuất, khu vực kinh tế hợp tác của huyện cũng đang ghi dấu ấn trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Tiêu biểu nhất phải kể đến 2 HTX điểm là HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Tuấn với sản phẩm gạo nếp, HTX nấm Nhật Bằng ở xóm 5 xã Trực Thái với sản phẩm nấm.
Sản phẩm thịt lợn hữu cơ của HTX chăn nuôi lợn sạch xã Trực Thái cũng đang được đánh giá rất cao để trở thành sản phẩm OCOP của huyện.
Anh Nguyễn Văn Thục, Giám đốc HTX cho biết, tham dự Chương trình OCOP là cơ hội tốt để đơn vị quảng bá sản phẩm thịt lợn sạch, thu hút thêm khách hàng, đồng thời là cơ hội tạo thêm nguồn thu nhập cho thành viên HTX.
Nông thôn mới vững mạnh
Việc xây dựng các sản phẩm OCOP đang trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Trực Ninh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao thu nhập của nông dân, tạo đà để nông thôn mới tại địa phương phát triển nhanh và bền vững.
OCOP góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Trực Ninh. |
Bắt tay triển khai từ năm 2010, Trực Ninh là một trong những điển hình trong công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định. Huyện chính thức có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới từ năm 2018, hiện đang trên đà hoàn thiện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thành công của chương trình nông thôn mới đã mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, diện mạo Trực Ninh có nhiều đổi thay rõ rệt, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực. Sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện, gồm các trục đường liên xã, liên thôn, xóm đã cơ bản đảm bảo theo chuẩn nông thôn mới nâng cao. 4/5 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm Y tế huyện đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ. 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, cùng với mục tiêu hoàn thành nông thôn mới nâng cao, huyện chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết giữa HTX, doanh nghiệp với nông dân để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Hưng Nguyên