Sau hơn 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, huyện Tháp Mười đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra.
Những dấu ấn quan trọng
Thực tế, huyện Tháp Mười đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2019. Theo đó, toàn huyện có 12/12 xã (100%) được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Nông thôn mới huyện Tháp Mười khởi sắc với cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng hoàn thiện. |
Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Tháp Mười có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sản xuất phát triển mạnh.
Chuyển biến rõ ràng nhất là đời sống kinh tế, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân của người dân toàn huyện đạt mức trên 55 triệu đồng/người/năm.
Chất lượng giáo dục, y tế của huyện được đảm bảo, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện. 100% các tuyến đường liên xã, liên huyện được cứng hóa, đảm bảo việc đi lại, giao thương cho người dân.
Đáng chú ý, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tháp Mười có sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn từ nhân dân địa phương. Theo đó, người dân Tháp Mười đã tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới khoảng 40% kinh phí, với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng, cùng nhiều giá trị vật chất tinh thần khác.
Trong nông nghiệp, nông dân Tháp Mười đã ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất như: mô hình Canh tác lúa lý tưởng sử dụng phân bón thông minh, Sản xuất lúa theo hướng VietGAP, Trạm bơm điện giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất, Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP...
Điểm tựa từ OCOP
Trong rất nhiều yếu tố tạo đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Tháp Mười, hiệu quả của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chính là nhân tố điển hình, có đóng góp quan trọng bậc nhất.
Theo thống kê, huyện Tháp Mười hiện có 6 sản phẩm chế biến từ sen được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm sản phẩm Trà hoa sen (4 sao, có tiềm năng phát triển 5 sao), sản phẩm Hà diệp liên (3 sao), sản phẩm Rượu hồng sen tửu đặc biệt, Rượu hồng sen tửu, Trà tim sen và Hạt sen sấy bơ đều đạt chất lượng 3 sao.
Tháp Mười đang có những sản phẩm OCOP nổi bật từ sen. |
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tháp Mười còn có một số sản phẩm từ sen có tiềm năng phát triển và tham gia chương trình OCOP như sản phẩm Rượu Hoa liên tửu; các sản phẩm sữa sen, sữa sen bột, sen bột của cơ sở Diễm Thúy 2; sản phẩm sữa sen của cơ sở Sen Hồng; các sản phẩm sen sấy, trà tim sen, sữa sen của cơ sở Minh Sơn…
Để có được những thành công như vậy, những năm qua, huyện đã chủ động gắn quá trình xây dựng nông thôn mới với chương trình phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Thắng Lợi, xã Mỹ Đông cho biết, trong quá trình vận động nông dân cải tạo vườn tạp, hỗ trợ sản xuất theo hướng an toàn sinh học, huyện có quy định một là phải theo chuỗi sản xuất sạch, hai là phải đáp ứng sản phẩm OCOP của tỉnh.
“Việc phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP giúp các HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá bán, từ đó góp phần tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của địa phương”, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, huyện cũng chủ trương đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.
Hưng Nguyên