Thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy được mọi người biết đến không chỉ là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ở đây còn là nơi lưu giữ và phát triển nghề nấu rượu nổi tiếng khắp vùng. Cái tên "rượu Tuy Lộc" đã trở thành thương hiệu độc đáo, là niềm tự hào từ bao đời của các thế hệ người dân sống trên mảnh đất này và một thứ đặc sản để làm quà biếu mỗi khi đi xa quê. Trước thăng trầm của xã hội, làng nghệ rượu Tuy Lộc từng rơi vào khó khăn. Trước thực trạng trên, mong muốn phát triển thương hiệu rượu tuy lộc đã thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể ra đời.
Chính vì lẽ đó, HTX Dũng Luật hình thành năm 2005 với mục đích chính là phát triển nghề sản xuất rượu truyền thống của địa phương.
Phát triển nghề truyền thống
Giám đóc HTX Dũng Luật hiện nay do ông Trần Viết Dũng làm giám đốc. Điều đặc biệt là ông từng là doanh nhân nên việc sản xuất, phát triển thương hiệu không chỉ là đam mê là còn gặp rất nhiều thuận lợi vì ông có kế hoạch phát triển HTX và mở rộng thị trường rất rõ ràng nhằm bảo tồn, duy trì nét đặc trưng, tinh túy của nghề nấu rượu truyền thống trên mảnh đất, quê hương.
HTX Làng nghề Dũng Luật đầu tư 2 dãy nhà xưởng sản xuất rượu theo hướng hiện đại. Lao động tại cơ sở chủ yếu là con em địa phương, hầu hết là những người có kinh nghiệm nấu rượu lâu năm. Hàng năm, HTX đã giải quyết được việc làm cho những lao động nhàn rỗi tại địa bàn.
Đẻ bảo đảm chất lượng, HTX chỉ dùng loại gạo Việt Nam hoặc X21 được xát kỹ, gạo càng trắng thì rượu càng ngon. Men cũng được lựa chọn đúng tiêu chuẩn. Công đoạn làm rượu rất công phu, phải qua ít nhất 7 công đoạn, gồm có chọn gạo, nấu cơm, ủ lên men, trộn nước, nấu rượu, lọc, đóng chai. Các bước nấu rượu theo trình tự: Gạo nấu chín, được đảo rời từng hạt không dính lẫn với nhau.
Sau khi cơm đã nguội mới trộn với men được giã mịn và ủ trong vòng 03 ngày, tiếp đó, cơm được lấy ra trộn đều lẫn với nước rồi ủ lại thêm khoảng 07 ngày nữa mới đem nấu. Công đoạn nấu rượu cũng được thực hiện khá tỉ mỉ, tập trung giữ đều lửa thì chất lượng rượu mới cao. Rượu sau khi nấu xong tiếp tục được xử lý qua hệ thống lọc rồi mới đem đóng chai. Với số lượng 8 lon gạo nấu chín thành cơm trộn đều 25g men thì có thể cho được khoảng 1,2 lít rượu thành phẩm.
Cách làm này của HTX Làng nghề Dũng Luật đã thay đổi tư duy cố định là mô hình nấu rượu - nuôi lợn của người dân trong làng. Trước đây, việc sản xuất chỉ mang tính tự cung tự cấp, nên giá trị kinh tế không cao, gây khó khăn cho việc mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu.
Bằng cách làm mới, trung bình mỗi ngày HTX sản xuất được 200-300 lít rượu trong mùa đông và khoảng 100-150 lít về mùa hè để cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, trong quy trình sản xuất tại Làng nghề còn có các công đoạn làm lắng, khử các chất độc hại được đưa vào áp dụng, đảm bảo cho sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn về bảo vệ sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Khác hẳn sản phẩm rượu các vùng khác như rượu trắng Võ Xá, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh); rượu cần Macoong, xã Thượng Trạch (huyện Minh Hóa)... rượu Tuy Lộc nổi tiếng bởi màu nước trong veo, chỉ cần mở nút hoặc lắc nhẹ, những bọt rượu nhỏ kết lại quanh cổ chai và dính chặt với nhau có vị cay nồng khi uống, tỏa mùi thơm lôi cuốn cho người thưởng thức. Sản phẩm của HTX đã nhận được nhiều danh hiệu về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng. Đây là nền tảng để HTX tiếp tục phát triển.
Bảo vệ môi trường
Nhạn thấy, quá trình nấu rượu cần nguồn nguyên liệu gạo lớn. Để có gạo làm rượu, HTX đầu tư hệ thống máy xay xát thóc gần khu vực nhà xưởng sản xuất rượu. Chính vì vậy, nguồn trấu lớn được thải ra sau quy trình sản xuất.
Sản xuất củi trấu giúp HTX Dũng Luật giải quyết bài toán môi trường |
Trước thực trạng này, HTX đã đầu tư 4 máy sản xuất củi trấu và xây dựng hệ thống nhà xưởng, kho chứa hàng, đường điện... với tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 1,5 tỷ đồng ở vùng cát Ngư Thủy Bắc để sản xuất củi trấu. Củi trấu được ép thanh từ vỏ trấu được bán với giá 1,1 - 1,5 triệu đồng/tấn.
Theo anh Trần Văn Hòa, phụ trách xưởng sản xuất củi trấu, ý tưởng về nhiên liệu củi trấu đã được HTX manh nha từ lâu, bởi Lệ Thủy là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình, trong khi cơ sở xay xát của HTX nhiều nên lượng vỏ trấu vứt bỏ là rất lớn, trong khi đó, nhu cầu về chất đốt của người dân và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng tăng cao.
Ngoài nguồn trấu từ hệ thống sản xuất của HTX, để bảo đảm nguyên liệu, HTX đã thu mua từ các nhà máy xay xát với giá thành 400.000 đồng/tấn (chủ yếu là kinh phí vận chuyển, nhân công). Vỏ trấu được đưa về xưởng và bắt đầu đưa vào sản xuất, với năng suất 1 máy/tấn thành phẩm/ngày.
Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất trên 100 tấn củi trấu thành phẩm, thu về 120 - 160 triệu đồng/tháng, trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng/tháng. Mặc dù là sản phẩm khá mới lạ với không ít người, nhưng đầu ra và giá thành của sản phẩm củi trấu khá ổn định, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đấy, chủ yếu là cung cấp cho công ty Bia Hà Nội và một số cơ sở sản xuất may mặc, nước giải khát nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy việc đầu tư sản xuất củi trấu không mới nhưng đã thể hiện sự quan tâm của HTX trong bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập hoạt động. Củi trấu là năng lượng sinh khối từ nông nghiệp, được xem là nguồn năng lượng giàu tiềm năng, giải quyết ô nhiễm môi trường từ vỏ trấu. Nhiều đơn vị lựa chọn sử dụng củi trấu thay cho than để đẻ giảm ô nhiễm môi trường và giảm kinh phí đầu tư.
Theo đánh giá cảu Liên minh HTX tỉnh, HTX Làng nghề Dũng Luật là một trong những HTX luôn tự đổi mới và vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, mang lại tính thiết thực, hiệu quả cao và bền vững. Hoạt động sản xuất của HTX còn góp phần giải quyết nhu cầu lao động tại địa phương...
Huyền Trang