Gắn sản xuất hữu cơ với bao tiêu nông sản
Năm 2016, HTX nông nghiệp An Lỗ, xã Phong Hiền đã đưa vào sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 24ha và tăng lên 44ha vào năm 2020 với sự tham gia của 102 thành viên. Để chủ động và đồng hành với bà con nông dân trong sản xuất lúa hữu cơ, HTX đã đảm nhận từ khâu gieo mạ, cấy, cung ứng vật tư như: phân hữu cơ, thuốc sinh học. Đáng chú ý, HTX đã đầu tư 2 máy cấy Kubota với trị giá khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn đầu tư 1 máy sản xuất mạ khay, 2 máy làm cỏ giúp bà con thuận tiện hơn trong quá trình chăm sóc lúa.
Máy cấy Kubota của HTX An Lỗ làm dịch vụ cho thành viên (Ảnh: TL) |
Theo đánh giá của lãnh đạo HTX An Lỗ, cây lúa hữu cơ cho sản lượng thấp hơn so với sản xuất lúa truyền thống, nhưng cho giá trị kinh tế cao hơn 1,5 lần trên cùng một đơn vị diện tích. Việc phát triển cây lúa hữu cơ luôn đảm bảo thị trường đầu ra ổn định, thổ nhưỡng được cải thiện nhiều do thực hiện quy trình bón phân hữu cơ cải tạo đất. Đồng thời, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con nông dân do không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, HTX đã ký hợp đồng thu mua với bà con nông dân ngay từ đầu vụ rồi xay xát, chế biến gạo cung cấp cho các doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng, giúp các thành viên yên tâm sản xuất.
Thành viên HTX An Lỗ bón phân hữu cơ chăm sóc ruộng lúa (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX An Lỗ cho biết: “Trước nhu cầu của thị trường về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi đang đẩy mạnh hướng tới phát triển cây lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị với sự tham gia liên kết của các đơn vị, nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, vận động các thành viên không ngừng nâng cao trình độ canh tác, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ các quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ...”.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và hướng đến năm 2025, thời gian qua, huyện Phong Điền đã tích cực triển khai một số mô hình sản xuất nông sản sạch, chú trọng đến một số cây trồng, vật nuôi chủ lực.
Điển hình như tại xã Phong Thu, chính quyền và người dân xác định lợi thế về thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây ăn quả có múi để phát triển cây thanh trà thành cây chủ lực. Xã và huyện đã tập trung đầu tư về khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại quy mô sản xuất, đăng ký thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị để tạo sức cạnh tranh, nâng cao giá trị thu nhập, đồng thời mở rộng thêm diện tích sản xuất. Đến nay, toàn xã Phong Thu đã phát triển 135ha cây thanh trà với 430 hộ tham gia sản xuất, ước tính mỗi năm cây thanh trà cho thu nhập khoảng 15 tỷ đồng.
Trồng cây thanh trà ở xã Phong Thu giúp nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Phong Thu cho biết, từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã triển khai kế hoạch phát triển các vùng trồng thanh trà tập trung, cải tạo diện tích đất phù hợp để mở rộng thêm diện tích, hỗ trợ vốn cho nông dân. Đồng thời phát triển thương hiệu thành sản phẩm OCOP chủ lực của xã.
Theo ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, huyện đã và đang tích cực thực hiện tái cơ cấu gắn với dồn điền đổi thửa, áp dụng thâm canh tăng vụ, chuyển đổi hình thức sang sản xuất hàng hoá, trồng cây tập trung; tạo điều kiện cho người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện đã triển khai 25 mô hình, dự án với tổng kinh phí hỗ trợ của ngân sách tỉnh và huyện là 13 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 70 tỷ đồng. Việc thực hiện các chính sách thông qua các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân. Cụ thể, tỷ trọng các ngành nông nghiệp tăng mỗi năm từ 4 - 6%, lâm nghiệp từ 5 - 13,3%, thủy sản từ 29 - 34%. Đến nay, trên địa bàn huyện Phong Điền có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2020 sẽ có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,82%...
“Thông qua các mô hình, dự án, huyện Phong Điền chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho người dân để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được nông dân ứng dụng và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, ông Trịnh Đức Hùng nhấn mạnh.
Phạm Duy