Hiện nay, việc sử dụng lá chuối để bao gói thực phẩm thay túi nilon đang được nhiều chuỗi bán lẻ hưởng ứng nhằm bảo vệ môi trường. Việc này cũng thúc đẩy việc người dân trồng chuối lấy lá hoặc tự ý thức việc chuyển đổi sang dùng lá để phục vụ cuộc sống, nhất là lĩnh vực thực phẩm.
Cùng nhau trồng chuối
Tại buôn Ka La (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana-Đắk Lắk), nhiều hộ dân có truyền thống trồng cây chuối từ rất lâu nhưng chủ yếu để lấy thức ăn chăn nuôi và bán buồng chuối kiếm thêm thu nhập.
Vì vậy, trước thực trạng sử dụng rác thải nhựa quá nhiều, gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương, đặc biệt là chi hội phụ nữ buôn tuyên truyền, vận động tham gia CLB “Trồng cây chuối lấy lá thay túi ni lông”, các chị em phụ nữ đã tích cực tham gia thực hiện.
Thay vì chỉ trồng, chăm sóc vài bụi chuối xung quanh nhà, giờ đây, hầu hết các thành viên trong CLB tận dụng tối đa những khoảng đất trống trong rẫy cà phê để trồng thêm cây chuối. Giống chuối thích hợp cũng được sử dụng, khoa học kỹ thuật cũng được áp dụng vào sản xuất. Việc trồng chuối theo hàng lối hay giữ số lượng lá bao nhiêu cũng được tính toán phù hợp.
Trồng chuối vừa cho giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường |
Đến khi thu hoạch, ngoài việc bán buồng chuối, thành viên còn dùng lá chuối để gói thực phẩm mang lên rẫy thay vì gói bằng túi ni lông như trước kia. Số lá chuối không sử dụng hết, chị cắt đem ra chợ bán, hay phục vụ những đơn hàng đã đặt sẵn.
Chị H’Dan, thành viên CLB, cho biết, sau một thời gian sử dụng, chị thấy dùng lá chuối gói thực phẩm thay cho túi ni lông khá tiện lợi. Thức ăn được gói bằng lá chuối để lâu không có mùi khó chịu. Lá dùng xong đem đổ vào hố rác trong vườn đến khi đầy thì đốt và lấy phân bón cho cây trồng. Cách làm này vừa tăng thêm thu nhập vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Thay đổi thói quen bảo vệ môi trường
CLB “Trồng cây chuối lấy lá thay túi ni lông” của chi hội phụ nữ buôn Ka La được có 30 thành viên. Bằng những việc làm thiết thực, CLB đã tạo ra ý nghĩa lớn giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
CLB sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần hoặc lồng ghép nội dung sinh hoạt trong các buổi họp của chi hội phụ nữ buôn. Ban chủ nhiệm CLB đã tập trung tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích các thành viên và hội viên phụ nữ trồng cây chuối lấy lá để hạn chế và thay thế sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày.
Chị Mí Wish Byă, Chi hội trưởng phụ nữ buôn, Chủ nhiệm CLB cho biết, đây là CLB do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo thành lập điểm. Mỗi thành viên tham gia CLB được Trung ương hội được hỗ trợ 200.000 đồng để đầu tư trồng cây chuối. Sau một thời gian triển khai, nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc trồng cây lấy lá thay túi ni lông nên các thành viên CLB đều tích cực thực hiện và đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Hàng ngày, các thành viên trong CLB vẫn đều đặn đi cắt lá chuối cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn. Trung bình giá mỗi kg lá chuối khoảng 10 nghìn đồng, lá loại đẹp hơn thì 15 nghìn đồng/kg tùy vào thời điểm.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, thay đổi thói quen dùng túi nilon sang dùng lá chuối. Mô hình trồng chuối của CLB còn góp phần mang lại màu xanh cho vùng đất từng bị khô cằn, thoái hóa bởi lối canh tác lạc hậu của người dân.Những vạt đất với những cây điều già cỗi thưa thớt trước đây, nay đã thay bằng màu xanh của chuối.
Nhận thấy cây chuối nhanh cho trái và lá và chừng tháng 10 sang năm sẽ có thu hoạch rộ, các thành viên CLB cho biết năng suất chuối 50-60 tấn/ha, với giá mua hiện nay khoảng 3.500 đồng/ký, mỗi hecta thu nhập chừng 175 triệu đồng, trừ hết chi phí mỗi nhà cũng có thu nhập 50-60 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn chưa tính thu nhập từ lá chuối. Đã có nhiều đơn vị liên hệ với CLB để bao tiêu sản phẩm.
Có thể nói, đối với vùng nông thôn, việc trồng cây chuối lấy lá sử dụng thay thế túi ni lông không phải là việc làm quá khó nhưng làm thế nào để tuyên truyền cho hội viên phụ nữ cùng thực hiện đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Hội Phụ nữ các cấp và sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể địa phương để nhân rộng mô hình trên.
Huyền Trang