Những năm gần đây, nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân trên địa bàn huyện Bù Đốp đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng tiêu, trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây ăn trái. Từ đó đã có không ít hộ đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
An toàn nhờ thực hiện"4 đúng"
10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, khu phố Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình trồng gần 1.000 nọc tiêu. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, vườn tiêu chết hàng loạt, nên vợ chồng ông chuyển sang trồng bưởi da xanh.
Mô hình trồng cây ăn quả đang cho hiệu quả kinh tế cao tại Bù Đốp (Ảnh TL) |
Đến nay, gần 100 cây bưởi trồng trên 5 sào đất của gia đình ông Hùng đã cho trái ổn định, thu hoạch định kỳ mỗi tháng/lần. Nhờ giá bán cao, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng.
Theo ông Hùng, để có được thành công như vậy, sản xuất an toàn, chú trọng an toàn lao động (ATLĐ) là nhân tố quyết định. Trong quá trình sản xuất, ông "nói không" với các hóa chất độc hại, áp dụng quy trình “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng thời điểm, đúng cách) trong bón phân, xịt thuốc.
“Sản xuất an toàn giúp chất lượng, giá trị sản phẩm tăng. Đặc biệt, việc "nói không" với hóa chất độc hại giúp các thành viên trong nhà tôi nâng cao sức khỏe, tránh được các loại bệnh nghề nghiệp như viêm phổi, viêm đường hô hấp, da mẩn ngứa…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh các hộ sản xuất, Bù Đốp đang có 9 HTX hoạt động hiệu quả, trong đó HTX thương mại – dịch vụ Phước Thiện (xã Phước Thiện) nổi lên không chỉ trên địa bàn huyện mà cả tỉnh Bình Phước, nhờ phương thức sản xuất hiện đại, đảm bảo ATLĐ.
Giám đốc Nguyễn Viết Vị cho biết HTX Phước Thiện đang có 18 thành viên với vốn điều lệ 6 tỷ đồng, kinh doanh đa lĩnh vực như trồng trọt; chế biến xuất khẩu trái cây khô và tươi kết hợp mô hình chăn nuôi heo, gà; sản xuất cung ứng giống cây trồng…
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, HTX đang liên kết trồng 130 ha mít Thái lá bàng và 60 ha mít ruột đỏ PT 79 từ 2 - 5 năm tuổi theo quy trình hữu cơ, với những điều kiện nghiêm ngặt về ATLĐ.
Theo đó, các thành viên HTX được tập huấn 3 - 5 khóa học để nâng cao kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất hữu cơ, các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Cùng với quá trình cơ giới hóa để đáp ứng sản xuất lớn, HTX chú trọng tập huấn cách sử dụng máy móc, nông cụ an toàn, nâng cao ý thức, trách nhiệm về ATLĐ cho thành viên. Người lao động HTX sẽ được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như găng tay, ủng, quần áo chuyên dụng… khi sử dụng máy móc, thiết bị.
Mở rộng quy mô, phát triển bền vững
Giám đốc HTX Nguyễn Viết Vị khẳng định sản xuất hữu cơ đòi hỏi thành viên HTX nắm vững kỹ thuật và các quy tắc an toàn. Điều này giúp HTX nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là đảm bảo ATLĐ, sức khỏe cho người sản xuất.
Các mô hình cần chú trọng phát triển theo hướng an toàn để đảm bảo giá trị bền vững (Ảnh TL) |
Bên cạnh mít Thái, những năm qua, HTX đang gặt hái thành công lớn với cây vú sữa hoàng kim, một loại cây trồng mới tại huyện Bù Đốp nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.
Với 3 ha vú sữa, mỗi tháng HTX thu hoạch 1,5 tấn trái, giá bán 100 - 150 nghìn đồng/kg, các cửa hàng trái cây, siêu thị trong và ngoài tỉnh đến tận vườn "săn đón". Sau khi trừ chi phí, HTX thu lời hàng trăm triệu đồng/tháng.
“Mỗi mô hình trồng trọt có một đặc thù riêng nhưng quy định về ATLĐ luôn được HTX nhất quán. Đơn cử, khi ra vườn thành viên HTX phải đeo ủng để tránh dẫm phải mảnh sành, vật nhọn, côn trùng cắn… gây thương tích”, ông Vị nhấn mạnh.
Những kết quả thực tế cho thấy việc chuyển đổi sang mô hình trồng cây ăn quả đang phái huy hiệu quả "kép" về kinh tế, ATLĐ cho người dân huyện Bù Đốp.
Vì vậy, song song với cải tạo, phát triển vườn cây ăn trái truyền thống như xoài, chôm chôm, mít Thái, huyện Bù Đốp đang mở rộng trồng các loại cây ăn trái mới, có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, cam, quýt đường thay thế những cây trồng kém năng suất, không phù hợp.
Để đảm bảo giá trị bền vững, các cấp, ngành của huyện xác định cần triển khai đồng bộ về quy hoạch, liên kết sản xuất, tiêu thụ, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, phát triển công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ... để nông dân trồng cây ăn trái yên tâm sản xuất.
Hưng Nguyên