Tỉnh Bắc Ninh có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng, nhất là trên các hệ thống sông lớn như sông Đuống, sông Thái Bình. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, kể từ năm 2011 đến nay, sản lượng cá thương phẩm nuôi lồng trên sông tăng từ khoảng 87 tấn (giá trị 5,654 tỷ đồng) lên hơn 6.230 tấn, chiếm 16,5% sản lượng thủy sản toàn tỉnh, đạt giá trị gần 343 tỷ đồng.
Lan tỏa diện tích mặt nước
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 200 hộ phát triển nghề nuôi cá lồng ở 30 thôn thuộc 18 xã nằm trong 6 huyện với tổng số hơn 2.000 lồng nuôi.
Mô hình nuôi cá lồng đang phát triển mạnh, tạo hiệu ứng mạnh mẽ ở Bắc Ninh (Ảnh TL |
Các mô hình tập trung chủ lực ở các huyện Lương Tài với 705 lồng, huyện Quế Võ với 502 lồng, huyện Gia Bình với 392 lồng, huyện Thuận Thành với 241 lồng, huyện Tiên Du với 114 lồng, huyện Yên Phong 108 lồng.
Các giống cá triển khai chủ yếu là cá chép, trắm cỏ, trắm đen, nheo Mỹ (lăng đen), rô phi, điêu hồng, chép giòn. Ngoài ra còn có một số đối tượng nuôi mới, cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá ngạnh sông, cá chiên, lăng chấm…
Hoạt động trên địa bàn huyện Thuận Thành, HTX thủy sản Trường Mạnh (xã Mão Điền) đang được ví như "ngôi sao sáng trên dòng sông Đuống".
Tận dụng chất lượng nước từ sông, HTX thực hiện nuôi và kinh doanh cá lăng, cá chép giòn, cá diêu hồng với tổng diện tích nước mặt 5.000 m2. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã Mão Điền.
Sở hữu 85 lồng cá, ông Nguyễn Xuân Đang – thành viên HTX Trường Mạnh chia sẻ, để có được thành công hiện tại, HTX đã chủ động áp dụng phương thức sản xuất khoa học, chú trọng ATLĐ trong quá trình nuôi trồng.
Theo ông Đang, môi trường và điều kiện lao động của nghề nuôi cá lồng là lao động thủ công nặng nhọc, độc hại, làm việc ngoài trời, mùa hè nhiệt độ cao, mùa đông nhiệt độ thấp.
Người lao động thường xuyên tiếp xúc, ngâm mình trong môi trường nước, tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như vôi, Chlorine, Formol, Saponine... và các loại khí độc hại như H2S, NH3, CH4..., là các tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vì vậy, để tăng cường ATLĐ cho thành viên, HTX Trường Mạnh đã trang bị đầy đủ, đảm bảo chất lượng, số lượng, chủng loại các trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân như quần áo, găng tay, kính mắt… chuyên dụng cho các hộ.
“Trước đây, vì đặc trưng nghề nghiệp, chúng tôi thường mắc các bệnh về da, bệnh phụ khoa, bệnh xương khớp, bệnh viêm phổi, bệnh tim mạch... Nhưng khi vào HTX, nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, được mặc đồ bảo hộ đúng chuẩn, thường xuyên được đi khám sức khỏe định kỳ thì các loại bệnh đã giảm hẳn”, ông Nguyễn Xuân Đang phấn khởi nói.
Phát triển bền vững
Cùng với huyện Thuận Thành, huyện Gia Bình cũng đang là địa phương phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, trong đó xã Song Giang là điểm sáng nổi bật.
Đến nay, xã Song Giang có hàng chục hộ nuôi cá lồng với hơn 100 lồng bè, với các loại cá được thị trường ưa chuộng như cá cá chép, cá chim và cá chẽm…
Tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển các mô hình theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ để đảm bảo giá trị bền vững (Ảnh TL) |
HTX dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (xã Song Giang) sau nhiều năm hoạt động đang thu hút 15 thành viên tham gia với 109 lồng nuôi cá. Sản lượng cá thu hàng năm ước đạt 300 - 350 tấn các loại. Hiệu quả của HTX giúp xã Song Giang trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nghề nuôi cá lồng.
Ông Đoàn Xuân Chuẩn - Giám đốc HTX cho biết, để phát triển bền vững, bên cạnh đầu tư về khoa học - kỹ thuật, mở rộng thị trường, HTX đang triển khai loạt giải pháp bảo đảm ATLĐ cho thành viên.
Điển hình, HTX trang bị kiến thức qua các lớp tập huấn cho người lao động để dự phòng tác hại bệnh nghề nghiệp; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tham gia nuôi trồng thủy sản để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời...
Theo ông Chuẩn, hầu hết các giai đoạn nuôi cá đều tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ cho người lao động, tuy nhiên khâu cải tạo môi trường, chất lượng nước là nguy hiểm nhất.
Hiện nay, HTX Xuân Tùng sử dụng máy móc nên tác động của môi trường do mùn bã hữu cơ tích tụ, khí độc... ít ảnh hưởng đến người lao động hơn so với trước đây. Tuy nhiên, việc bón vôi, rải chất diệt tạp, diệt mầm bệnh, người lao động vẫn phải làm trực tiếp nên có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
“Để đảm bảo sức khỏe cho thành viên, HTX trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, hướng dẫn thành viên vệ sinh cá nhân đúng cách khi hoàn thành công việc. Định kỳ hàng tháng tổ chức khám sức khỏe để phát hiện kịp thời các bệnh lý nghề nghiệp”, ông Chuẩn nhấn mạnh.
Rõ ràng, nghề nuôi cá lồng trên sông đã và đang ngày càng phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương của tỉnh Bắc Ninh phát triển.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà roát các điểm nuôi cá lồng để đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở để quản lý, phát triển nghề nuôi cá lồng.
Đồng thời, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện hỗ trợ và tham mưu tỉnh có thêm những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích nuôi theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát.
Các địa phương sẽ được khuyến khích, hỗ trợ thành lập HTX nuôi trồng thủy sản để giúp các hộ nuôi cá lồng có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, tính toán chọn lựa loài cá phù hợp với điều kiện chăm sóc, môi trường sống.
Nhật Minh