Kể từ sau năm 2005, để phá thế độc canh cây lúa, biến khó khăn thành lợi thế, khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nho Quan đã xác định không tập trung vào chuyên canh một loại cây mà tiến hành trồng nhiều loại cây để phát huy được lợi thế vùng miền.
HTX Phú An đang là điểm sáng sản xuất an toàn cho hiệu quả cao ở Nho Quan (Ảnh Tư liệu) |
Ấn tượng HTX Phú An
Chỉ với 8 thành viên, tất cả đều là nông dân "chính hiệu", với cách nghĩ, cách làm mới mẻ, HTX trang trại Phú An (xã Phú Long, huyện Nho Quan) đang có bước phát triển tích cực.
Cụ thể, sau khi thành lập, Ban quản trị HTX đã bàn bạc thống nhất với các thành viên đứng ra thuê và đảm nhận cải tạo 76 ha đất đồi dốc để trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ.
Điểm nhấn của HTX là sự chú trọng vào khoa học – kỹ thuật và ATLĐ. Về kỹ thuật, các thành viên đã đầu tư rất nhiều vốn, thuê máy múc san lấp làm giảm độ dốc nhằm giữ màu cho đất, dễ chăm sóc, đồng thời mua cây giống và thuê kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn trồng…
Với công tác ATLĐ, HTX cử cán bộ đi học tập quy định về ATLĐ, sau đó về tập huấn cho thành viên, người lao động. Trong quá trình sản xuất, việc sử dụng máy móc được HTX quản lý chặt, người vận hành phải nắm chắc kỹ thuật, có khả năng ứng biến nhanh với sự cố để tránh các tai nạn đáng tiếc.
Điển hình, khi sử dụng các loại máy móc phục vụ trồng trọt như máy xúc, máy cày, máy đánh tơi, máy đầm…, người vận hành được tham gia mô hình trình diễn, có kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật. Khi máy xảy ra trục trặc, người dùng phải tắt máy mới được kiểm tra để tránh bị nghiến vào tay…
Hay khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (đã được tuyển chọn kỹ theo quy định), người lao động được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang, mũ chuyên dụng, ủng… để giảm thiểu sự tiếp xúc, bảo vệ an toàn sức khỏe.
Anh Phan Thành Quý - hộ liên kết của HTX, chia sẻ: "Kể từ khi vào HTX, chúng tôi hình thành thói quen ra vườn là phải mặc đồ bảo hộ như quần áo, khẩu trang, bởi dù là phân bón, thuốc trừ sâu sinh học nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc đảm bảo sức khỏe chính là cơ sở để chúng tôi tự tin phát triển sản xuất, nâng cao năng suất".
Hàng năm, HTX cũng tổ chức các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các loại bệnh, đặc biệt là bệnh nghề nghiệp liên quan đến đường hô hấp, da liễu... thường xảy ra trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao sức khỏe cho thành viên.
Nhờ sản xuất an toàn, đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của các thành viên đã cho thu hoạch trên 60 tấn quả/năm. Các loại cây ăn quả khác như cam, bưởi Diễn, bưởi da xanh đã cho bói quả, năm 2020 này ước tính vụ đầu sẽ cho thu hoạch từ 20 - 25 tấn quả…
Nông dân Nho Quan đang hưởng lợi kép về kinh tế, ATLĐ nhờ liên kết sản xuất (Ảnh TL) |
Giá trị của liên kết
HTX Phú An chỉ là một trong số nhiều HTX, tổ hợp tác đang hoạt động hiệu quả, góp phần phát huy các thế mạnh sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị cao về kinh tế đồng thời đảm bảo ATLĐ cho người dân ở Nho Quan.
Các mô hình kinh tế hợp tác được duy trì hoạt động hiệu quả như HTX nuôi trồng thủy sản xã Văn Phong, HTX Nấm xã Gia Tường, xã Gia Sơn, THT trồng hoa cây cảnh xã Gia Lâm, THT chăn nuôi trâu bò xã Văn Phương, THT nuôi hươu xã Kỳ Phú, THT trồng rau an toàn xã Quỳnh Lưu...
THT chăn nuôi trâu bò xã Sơn Lai được thành lập năm 2018, hiện có 12 thành viên, phát triển đàn bò tổng số 342 con. Để nâng cao hiệu quả, THT đã hỗ trợ các thành viên đầu vào, đầu ra cho quá trình chăn nuôi.
Đặc biệt, vấn đề kỹ thuật, đảm bảo ATLĐ được THT đặc biệt chú trọng. Trước hết, tập quán nuôi thả tự do gây ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng bị loại bỏ để thay bằng nuôi tập trung theo hướng trang trại. Sau đó, trong quá trình chăn nuôi, thành viên HTX được tập huấn để tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn.
Đơn cử, khi bước vào khu trang trại, thành viên phải đeo ủng, khẩu trang để tránh bị vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh tấn công gây ảnh hưởng sức khỏe.
Khi tiến hành tiêm phòng, bò được nhốt cố định để tránh gây thương tích cho người tiêm. Bản thân người tiêm phòng cũng đeo bao tay chuyên dụng để tránh bị kim tiêm làm bị thương.
Khu chăn nuôi cũng được HTX khử trùng, quét dọn hàng ngày để hạn chế ô nhiễm, đảm bảo môi trường sống an toàn cho cả người và vật nuôi.
Ngoài ra, THT cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các thành viên chính thức. Qua đó, tạo tâm lý ổn định cho các thành viên yên tâm phát triển, xây dựng kinh tế.
Với sự đóng góp của các HTX, THT cùng những tiến bộ rõ rệt của ngành nông nghiệp trong những năm qua, Nho Quan đang phấn đấu hình thành 3 vùng kinh tế, trong đó vùng cao, vùng bán sơn địa phát triển trồng trọt với cây trồng chính là cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, rau, củ, quả an toàn, cây lấy gỗ...
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại với các vật nuôi chủ lực như trâu, bò, lợn, dê, gà và các con nuôi đặc sản như ong, lợn rừng, hươu; vùng chiêm trũng phát triển trồng lúa; nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi thủy cầm.
Hưng Nguyên