Những năm qua, sản xuất dưa lưới trong nhà màng là mô hình đem lại nhiều thành công trên địa bàn tỉnh Bình Dương, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân và HTX. Trong đó, mô hình của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long đang trở thành mô hình điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.
HTX dẫn dắt sản xuất
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích trên 4 ha, sản phẩm của HTX Kim Long có chất lượng vượt trội và được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Có “danh tính” rõ ràng, sản phẩm của HTX được tiêu thụ trên thị trường cả nước.
Theo đại diện HTX, hàng năm, HTX Kim Long sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng trên 100 tấn dưa lưới, doanh thu đạt từ 4 - 4,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới của HTX Kim Long đã mở ra những cơ hội mới trong hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng các quy trình chuỗi sản xuất và góp phần nâng tầm giá trị nông sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Phú Giáo.
![]() |
Canh tác trong nhà lưới giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Tương tự như ở Bình Dương, các HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm qua cũng tích cực ứng dụng sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới quy mô 0,2 ha trên địa bàn xã Minh Sơn là một ví dụ điển hình. Mô hình này do HTX Nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn đứng lên dẫn dắt người dân.
Nhờ sản xuất công nghệ cao, giống dưa vàng của HTX đã phát huy giá trị về kinh tế. Với sản lượng khoảng 6,5 tấn/vụ, giá bán tại ruộng là 40.000 đồng/kg có thể mang về lợi nhuận cho HTX ít nhất là 100 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, trồng dưa trong nhà lưới có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm.
Anh Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc HTX Minh Sơn, cho biết nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và nhiều lao động ở địa phương. Bên cạnh lợi ích kinh tế, sản xuất khoa học giúp HTX bảo vệ môi trường, giảm hơn 70% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của HTX Minh Sơn, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc cũng đang có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được các HTX, doanh nghiệp đầu tư.
Điển hình như mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu ở xã Lam Sơn; mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Thúy Sơn, Ngọc Sơn…
Nhân rộng các “điểm sáng”
Cùng với Ngọc Lặc, tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Yên Định, Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa…, phong trào xây dựng nhà lưới trong sản xuất đang phát triển mạnh mẽ.
Đơn cử như huyện Thiệu Hóa đang hình thành hàng loạt mô hình trồng trọt công nghệ cao, đặc biệt là đóng góp ngày càng quan trọng của các HTX. Trong đó, nổi bật nhất là HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hà, xã Vạn Hà.
Để tìm hướng đi mới cho thành viên, Ban giám đốc HTX Vạn Hà đã lựa chọn phát triển mô hình trồng rau VietGAP, có ứng dụng một phần công nghệ cao, cho hiệu quả vượt trội tại địa phương. Hiện, giá trị sản xuất của vùng sản xuất rau hiện đại của HTX đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, đời sống thành viên, người lao động ngày càng nâng lên.
Đang có những thành công đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm chung của các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nhà màng, nhà lưới hiện tại không chỉ thiếu vốn đầu tư, mà quỹ đất dành cho phát triển sản xuất cũng hạn chế nên nhiều HTX chưa phát huy hết được tiềm năng.
Mặt khác, các mô hình ứng dụng công nghệ cao mới làm từng phần nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến, thị trường đầu ra sản phẩm... Các HTX cũng chưa nắm bắt được thị trường công nghệ, nhất là thiếu nguồn nhân lực trong quản trị, quản lý điều hành để lựa chọn công nghệ cao vào sản xuất.
Để khắc phục những khó khăn và thúc đẩy nhân rộng mô hình các HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần có biện pháp ưu tiên hỗ trợ vốn giúp các HTX có thể ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học vào sản xuất.
Các cơ quan chức năng, địa phương cũng cần nâng cao nhận thức của thành viên HTX về hiệu quả của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lựa chọn các HTX có tiềm lực, khả năng để hỗ trợ tư vấn hướng dẫn, giúp các HTX lựa chọn, áp dụng công nghệ phù hợp, chuyển đổi sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất có giá trị cao, chi phí thấp…
Hoàng Cầm