Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên Đông là 3 huyện nằm trong lõi nghèo của tỉnh Điện Biên. Nếu giảm nghèo hiệu quả ở 3 huyện này sẽ góp phần không nhỏ trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh.
Giảm nghèo từ vùng lõi nghèo
Mường Nhé là huyện vùng sâu, vùng xa và cũng là vùng nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do vậy, từ khi có các chương trình 30a, 135… đã tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mường Nhé.
Ông Khoàng Văn Cớm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp – xây dựng và dịch vụ Mường Toong (xã Mường Toong) cho biết: Trước đây, đời sống của người dân trong xã rất khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ được Nhà nước đầu tư về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tham gia mô hình kinh tế tập thể, HTX… người dân đã triển khai chăn nuôi, nuôi thủy sản. HTX cũng đầu tư máy sản xuất cám để hỗ trợ người dân. Hoạt động này giúp nhiều hộ gia đình có đời sống ổn định. Mỗi năm thu nhập từ nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò, nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 13 tổ hợp tác, 5 HTX mới thành lập. Các HTX, tổ hợp tác này đang giúp các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội đến gần với người dân.
Tiêu biểu như HTX dịch vụ trồng và chế biến quế Huổi Pinh (xã Mường Toong) và HTX nông nghiệp Hữu cơ Suối Voi (xã leng Su Sìn)… đều tích cực tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo về các điều kiện sản xuất. Từ đó phát triển các ngành nghề truyền thống, phù hợp với tình hình thực tế của huyện miền núi, biên giới Mường Nhé.
Từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 74% vào năm 2015 đến nay, huyện Mường Nhé đã giảm và chỉ còn gần 59%. Huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, chất lượng sự nghiệp giáo dục, y tế được nâng lên.
Đa dạng sinh kế giúp người dân Điện Biên nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. |
Tương tự tại huyện Điện Biên Đông, nhờ đa dạng hóa sinh kế từ các nguồn lực hỗ trợ, đời sống của người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp CCO Ðiện Biên Ðông, chia sẻ trước đây nhiều thành viên và người dân địa phương thuộc diện nghèo. Nhưng nhờ được vay vốn từ nguồn ưu đãi, các thành viên đã đầu tư trồng bí xanh theo quy trình và được HTX thu mua, hỗ trợ tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trung bình 1ha đạt năng suất 7-8 tấn quả và có thể bán với giá bán trung bình 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nếu so sánh với các loại cây trồng khác như ngô, lúa nương, sắn… thì bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Một điểm nữa là bí xanh là cây ngắn ngày nên có thể quay vòng sản xuất nhanh. Trong quá trình trồng có thể kết hợp xen canh để tăng năng suất và thu nhập.
Không chỉ được hỗ trợ vốn, người dân còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nên nông sản ít bị bệnh, chất lượng cao. Từ những hộ nghèo, đến nay không ít thành viên HTX đã trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập ổn định.
Hiệu quả từ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế từ mô hình kinh tế tập thể, HTX đã lan tỏa, nhân rộng cách làm cho hàng trăm, nghìn hộ dân khác cùng học hỏi, mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế, từ đó giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Kết thúc năm 2021, có khoảng 6.680 hộ dân toàn tỉnh vượt qua ranh giới đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,76% (giảm 3,21% so với năm 2020). Riêng tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm còn 38,64% (giảm 4,5% so với năm 2020).
Giảm nghèo bền vững
Dù đạt được những hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo nhưng theo số liệu rà soát thời điểm giữa năm 2022, tỉnh Điện Biên vẫn còn 7.709 hộ có nhu cầu làm nhà và sửa chữa nhà. Toàn tỉnh vẫn còn 93 xã đặc biệt khó khăn.
Trong khi, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh muốn đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm từ 5% trở lên; có ít nhất 1 huyện nghèo và trên 31 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Có thể thấy, Điện Biên là một tỉnh miền núi, xa các trung tâm kinh tế lớn. Kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dịch vụ, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, mặt khác thiên tai, lũ lụt, gió lốc liên tiếp xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, HTX.
Để nâng cao được thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 45, với nhiều cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất giữa người dân, HTX và doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc, người dân sẽ được hưởng một khoản tiền hỗ trợ khi tham gia chuỗi sản xuất cùng HTX, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Điện Biên xác định xây dựng chính sách phải đi liền với ngân sách, phải bố trí đủ nguồn lực, giải quyết những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, kinh tế tập thể hiện nay nhằm tạo cơ hội mới cho người dân ổn định đời sống, giảm nghèo.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần tích cực thực hiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện; tăng mức hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi có điều kiện và kéo dài thời hạn vay vốn cho một số HTX đang tổ chức loại hình sản xuất có chu kỳ để xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tùng Lâm