Thành phố Hà Nội hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó: Có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Với 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho nông dân yên tâm sản xuất.
Phát huy vai trò “cầu nối”
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, một số mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
Các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã hỗ trợ đắc lực cho nông dân yên tâm sản xuất. |
Các HTX đã tham gia, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ; đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như: HTX rau Văn Đức, HTX Đa Tốn (Gia Lâm), HTX Đông Cao (Mê Linh), HTX nông nghiệp xã Tam Hưng (Thanh Oai)…
Hiệu quả hoạt động của các HTX này đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
“Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh là hướng đi cần thiết của các HTX nhằm thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Mạnh Phương nói.
Hiện nay, Nhiều HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động; ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Điển hình là HTX Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. HTX Hoàng Long hoạt động hiệu quả với chuỗi chuồng trại nuôi lợn sinh học, là HTX tiêu biểu trong số các HTX ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi ở Hà Nội.
Lợn tại đây được nuôi trong chuồng có lắp đặt hệ thống làm ấm về mùa đông, làm mát vào mùa hè, có hệ thống xử lý mùi hôi… HTX Hoàng Long hoạt động hiệu quả, nhiều năm qua đem lại công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX cho biết, qua 15 năm xây dựng và phát triển, HTX Chăn nuôi Hoàng Long đã có một quyết định đúng đắn, đó là đầu tư ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản và đồng bộ vào sản xuất.
“Từ khi thành lập HTX theo hướng công nghệ cao, đảm bảo đầu ra với giá thành hợp lý đã góp phần ổn định thu nhập cho thành viên và người lao động, nhiều hộ gia đình đã ăn nên làm ra và phần nào cải thiện được cuộc sống”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Khánh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai đánh giá, không chỉ HTX Hoàng Long, hàng chục HTX khác trên địa bàn huyện cũng đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho thành viên HTX.
Làm giàu với công nghệ cao
Tại huyện Đan Phượng, mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài (xã Đan Phượng) là "điểm sáng" về ứng dụng công nghệ cao.
HTX đang áp dụng một loạt quy trình sản xuất tiên tiến như sử dụng hệ thống nhà màng, nhà kính; công nghệ đo nhiệt được lắp đặt nhằm điều chỉnh liên tục môi trường phát triển bảo đảm phù hợp cho hoa.
Mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. |
Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong việc nuôi trồng các giống lan, nhất là lan Hồ Điệp, mỗi năm HTX Đan Hoài cho ra thị trường 250.000 cây hoa các loại, đạt doanh thu lên tới 5 tỷ đồng/năm.
Theo bà Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài, hiện HTX đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa hàng loạt đối với lan Hồ Điệp trong nhà kính và hoa Lily trên đồng ruộng; đã có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại có thể chủ động sản xuất theo quy mô và phương thức công nghiệp đối với lan Hồ Điệp đạt chất lượng cao.
Đến nay, diện tích sản xuất hoa lan của HTX được mở rộng lên tới 12.500 m2. HTX cũng đã xây dựng phòng nuôi cấy mô hiện đại để kiểm soát được nguồn cây giống, cùng với đó là hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa sau thu hoạch.
Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, những năm qua, HTX sản xuất trung bình khoảng 250.000 cây hoa các loại, doanh thu đạt 4 - 5 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí sản xuất, HTX thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động, với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ thành viên từ hộ nghèo đã vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu từ hoa.
Bà Đỗ Thị Bảy, thành viên HTX cho biết: “Tôi đã hết tuổi lao động tại các công ty, doanh nghiệp, nhiều năm nay tôi tham gia thành viên HTX, được làm việc tại mô hình công nghệ cao của HTX, nên cũng có thu nhập khá ổn định, hàng tháng có tiền sinh hoạt và trang trải cuộc sống, không phải nhờ đến con cháu. Bên cạnh đó, HTX còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác tại địa phương, giúp họ ổn định hơn trong cuộc sống”.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Đan Phượng đánh giá, bên cạnh giải quyết việc làm cho người lao động, những năm qua, HTX còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương như giúp đỡ người nghèo, thành viên có hoàn cảnh khó khăn.
"Đây một trong số những HTX đi đầu trong việc ứng dụng tiến độ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất tại Hà Nội. Thực tế việc áp dụng công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, đặc biệt là từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân nông thôn, giúp thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống", đại diện xã Đan Phượng nói.
Hoàng Hằng