Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có 18.327 HTX nông nghiệp, trong đó có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (chiếm 12% HTX nông nghiệp). Dù con số HTX nông nghiệp công nghệ cao đã tăng dần qua các năm, nhưng những vướng mắc vẫn đang làm khó các HTX.
Thiếu nguồn lực
Mặc dù ngành nông nghiệp đang hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với thời kỳ 4.0 nhưng hiện nay, không ít HTX rơi vào cảnh thiếu nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (Hà Nội) cho biết, công nghệ, đất đai và vốn là 3 yếu tố then chốt để HTX có thể biến giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao thành hiện thực. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các HTX đều vướng vào một trong 3 yếu tố này.
Về vốn, đầu tư công nghệ cao đồng nghĩa với việc cần số vốn lớn. Khi vay vốn, các tổ chức tín dụng đều yêu cầu HTX phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tài sản thế chấp. Nhưng khó khăn của HTX là diện tích đất đang đầu tư theo mô hình công nghệ cao đều đi thuê nên không có tài sản thế chấp.
Ứng dụng công nghệ cao là động lực để HTX thu hút và nâng cao lợi nhuận cho thành viên. |
Ngoài ra, để được hỗ trợ vốn, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao của HTX phải bảo đảm 2 yếu tố là đáp ứng theo tiêu chí về phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nằm trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Trong khi đó, theo ông Hồng, đa số các HTX đều không bảo đảm được 2 yếu tố này.
Đi cùng với đó là việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp công nghệ cao hiện dựa trên các tiêu chí theo định tính... khiến HTX khó tiếp cận được nguồn vốn.
Chia sẻ về khó khăn trong tích tụ ruộng đất, Giám đốc HTX rau củ quả sạch Gia Cát (Lạng Sơn) Hoàng Văn Thuận, cho biết HTX rất khó tìm được quỹ đất đạt yêu cầu để làm nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là đất đủ tiêu chuẩn an toàn để sản xuất nông nghiệp sạch và có diện tích hàng chục thậm chí hàng trăm ha, không vướng đền bù, giải tỏa. Nhưng khi có quỹ đất phù hợp, HTX vẫn khó tiếp cận vì kinh phí bồi thường để thu hồi quá lớn, hoặc người dân chỉ cho thuê trong thời hạn 5 năm.
“Đây là thời gian quá ngắn vì đầu tư làm nông nghiệp nếu thuận lợi thì phải khoảng 3 năm mới thu hồi được vốn. Còn đất công ích của địa phương, HTX muốn thuê phải thông qua phương thức đấu giá nên giá cao, không đáp ứng được phương án sản xuất, kinh doanh”, ông Thuận nói.
Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và đất đai cũng là nguyên nhân khiến các HTX chậm nhịp đầu tư cho khoa học công nghệ theo hướng tập trung, hiện đại để theo kịp xu thế của thị trường.
Chỉ ra rào cản của việc ứng dụng khoa học công nghệ từ cơ chế chính sách, ông Phan Văn Danh, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (Đồng Nai), cho biết việc ứng dụng khoa học - công nghệ của các HTX hiện chủ yếu theo hướng tự phát, bởi Nhà nước chưa có sự đầu tư tương xứng về ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là ở khâu giống.
Cụ thể là việc nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam đi quá chậm so với thế giới. Bên cạnh đó, nhiều giống nhập từ nước ngoài dù đã khẳng định cả trên giấy tờ và thực tế nhưng khi đưa về Việt Nam vẫn phải khảo nghiệm hết năm này qua năm khác. Đến khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận giống thì các nước phát triển đã chuyển sang sử dụng giống khác tiên tiến hơn, từ đó giá trị của các loại giống này trên thị trường không còn.
Đây cũng là cái khó mà ngành nông nghiệp nói chung, các HTX nói riêng đang gặp phải trong đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.
TS Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng thực tế, các HTX nông nghiệp nói chung và HTX nông nghiệp công nghệ cao nói riêng vẫn đang rơi vào cảnh khát vốn, thiếu đất, yếu công nghệ, mặc dù chủ trương chính sách về tín dụng, hỗ trợ đất đai, đầu tư công nghệ đã có.
Khi không vay được vốn, không được thuê đất lâu dài hoặc hỗ trợ đất thì ít HTX có thể đầu tư vào nông nghiệp hoặc hình thành vùng chuyên canh theo mô hình công nghệ cao.
Đó cũng là lý do đến nay, cả nước mới có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các địa phương công nhận; 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ NN&PTNT công nhận. Thực tế, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp, HTX về cơ bản vẫn còn có quy mô nhỏ. Mặt khác, hầu hết các địa phương cũng chưa có cơ chế về quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp… cho người dân, HTX, nên hiệu quả chưa như mong đợi.
Mở cánh cửa cho nông nghiệp công nghệ cao
Chia sẻ với những khó khăn mà các HTX đang gặp phải, ông Phạm Minh Tú (Viện Chiến lược Ngân hàng) cho biết hiện nay, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX vay vốn phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình như Nghị định 116/2018/NĐ-CP cho phép các HTX, nông dân được sử dụng các tài sản đầu tư từ vốn vay thế chấp vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, tài sản này phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, từ đó làm căn cứ bảo đảm để vay vốn. Đây chính là một trong những điểm hạn chế việc HTX tiếp cận được nguồn vốn vay đối với lĩnh vực công nghệ cao, vì rất ít HTX hiện nay được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp.
Đặc biệt, các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ NN&PTNT còn chung chung, chưa phù hợp, nên các tổ chức tín dụng khó xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.
Chẳng hạn như Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN đưa ra tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhưng chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh,…), nên các ngân hàng thiếu căn cứ để xác định cho vay.
Ông Tú cũng cho biết, đối với HTX, hộ gia đình không có tài sản thế chấp nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao cụ thể, thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững vẫn được xem xét cho vay theo hình thức không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị phương án sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, ông Tú cho rằng, các HTX nên đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua liên kết với doanh nghiệp để các tổ chức tín dụng xem xét giải quyết phần nào khó khăn về vốn cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Chia sẻ về những bất cập trong tiếp cận đất đai, GS.TS Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp, cho rằng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải đi kèm với việc tích tụ và tập trung ruộng đất đủ lớn một cách có hệ thống nhằm tăng quy mô ruộng đất trung bình của nông hộ. Không tích tụ ruộng đất, nông dân, HTX không thể ứng dụng công nghệ và cũng không thể giàu lên được.
Chính vì vậy, cần phải xóa bỏ các rào cản về đất đai nhỏ lẻ; chế độ giao quyền sử dụng đất hay phân loại đất cần được thay đổi. Bên cạnh đó, cần phải xem lại các chính sách tác động tới giá cả nông sản nhằm giúp nông dân được lợi, từ đó gia tăng hiệu quả tích tụ đất, thuê đất dài hạn…
Để thúc đẩy các HTX ứng dụng công nghệ cao, các cơ quan chức năng cũng cần chú trọng đến công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, ứng dụng trong điều khiển canh tác; công nghệ chế biến nông sản, phát triển vật liệu mới áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi… Điều này là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, thích ứng với thời kỳ 4.0.
Huyền Trang