Na Hang là một huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, có điều kiện khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng vô cùng thuận lợi để phát triển các loại rau bản địa. Cùng với sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác, huyện đang có xấp xỉ 100 ha rau chất lượng cao, cho sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.
Hiệu quả nhờ liên kết
Hồng Thái đang là một trong những xã điểm của huyện Na Hang phát triển mô hình trồng rau an toàn sinh thái theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường.
Liên kết giúp mô hình trồng rau VietGAP ở Na Hang cho hiệu quả cao hơn (Ảnh TL). |
Hiện, toàn xã Hồng Thái có 25,5 ha rau đậu các loại, trong đó có 3,5 ha bí, 6 ha bắp cải và súp lơ, 5 ha cà chua, 4 ha khoai tây, 2 ha su su, 5 ha cây rau màu khác…
Để nâng cao hiệu quả mô hình, xã Hồng Thái đã chủ động thực hiện liên kết “4 nhà” (nhà nông - Nhà nước – HTX và doanh nghiệp - nhà khoa học) trong sản xuất, qua đó tạo điểm tựa vững vàng cho các hộ sản xuất rau tại địa phương.
Thời gian qua, HTX Sản xuất rau sạch Tân Hợp là đơn vị chủ lực của xã Hồng Thái thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu các sản phẩm hàng hóa.
Ông Đặng Đức Hầu, Giám đốc HTX, cho biết liên kết “4 nhà” là điều kiện để nông dân nâng cao năng lực sản xuất, tuân thủ quy trình canh tác an toàn sinh học như không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ cỏ độc hại, ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật chế từ tỏi, ớt, gừng…
Nhờ sản xuất khoa học, toàn xã Hồng Thái đang có hơn 20 hộ dân đạt lợi nhuận 50 - 100 triệu đồng/năm từ trồng rau màu đặc sản. Đời sống kinh tế - xã hội người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng lên.
Tương tự, xã Khâu Tinh cũng đang có được những thành công tích cực từ mô hình trồng rau VietGAP, với sự tham gia của HTX dịch vụ nông nghiệp Khâu Tinh. HTX đang liên kết 10 hộ gia đình trồng rau an toàn trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng ra thị trường.
Sản xuất quy mô lớn
Chị Đặng Thị Liên, thành viên HTX Khâu Tinh, chia sẻ mô hình trồng rau VietGAP đang cho giá trị cao gấp 3-5 lần trồng lúa. Với diện tích gần 1.000 m2 trồng rau trái vụ của gia đình, mỗi vụ trừ chi phí gia đình chị thu lãi trên 20 triệu đồng.
Huyện sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng rau VietGAP, thân thiện môi trường (Ảnh TL). |
Theo chị Liên, để đảm bảo tiêu thụ, các thành viên HTX phải tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn.
Đơn cử, việc sử dụng phân bón phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian cách ly. Ngay cả việc sử dụng phân chuồng cũng phải tính toán kỹ lưỡng để tránh dư thừa, gây lãng phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo đại diện UBND huyện Na Hang, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, mô hình trồng rau màu theo chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường trên địa bàn huyện ngày càng được nhân rộng, cho thấy hiệu quả vượt trội.
So sánh về hiệu quả kinh tế của các hộ trồng rau trên địa bàn huyện cho thấy, diện tích trồng rau trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP thường đạt lợi nhuận từ 200 đến 250 triệu đồng/ha/vụ.
Hiện tại, sản phẩm rau trái vụ của huyện Na Hang đã được đưa vào hệ thống Siêu thị VinMart Tuyên Quang và một số cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng nhiều loại rau màu như đậu cove, đậu Hà Lan, su hào, cà chua… Các mô hình sẽ được hỗ trợ để hoàn thiện sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhật Minh