Khảo sát tại các vùng trồng mít lớn tại Tiền Giang như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước... vào hạ tuần tháng 7 cho thấy giá bán mít loại 1 dao động ở mức 41-43 nghìn đồng/kg, loại 2 ở mức 35-40 nghìn đồng/kg, giá đổ xô (cả xấu và đẹp) tại các vựa thu mua cũng ở mức trên 30 nghìn đồng/kg.
Giá cao kỷ lục
Vừa xuất bán thành công một xe mít Thái loại 1 nặng gần 5 tạ, thu về xấp xỉ 20 triệu đồng, ông Hồ Thành Nghiêm, thành viên Tổ hợp tác cây ăn trái Cai Lậy (thị xã Cai Lậy), cho hay giá mít bắt đầu tăng từ Tết Nguyên đán đến nay, giúp các nhà vườn thu vài trăm triệu đồng mỗi ha.
Sau Tết, các thương lái bắt đầu đến tận các nhà vườn để thu mua, giá nhiều thời điểm lên mức 25-30 nghìn đồng/kg. Ở mức này, người trồng mít đã bắt đầu có lãi khá tốt. Sau đó, giá mít tiếp tục tăng đều cho đến nay chạm ngưỡng trên dưới 40 nghìn đồng/kg, cao gấp rưỡi so với cách đây 1 tháng.
Nhà vườn trồng mít tại Tiền Giang đang rất phấn khởi khi giá bán tăng cao kỷ lục. |
“Với mức giá hiện tại, các nhà vườn trồng mít có thể đút túi trên dưới 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. May mắn là giá mít đã ổn định từ năm ngoái, giá cũng ở mức 25-30 nghìn đồng/kg, những người trồng mít đang sống khỏe, nhiều nhà vườn lớn thành tỷ phú”, ông Nghiêm chia sẻ.
Cũng dự kiến có thêm một mùa mít trúng đậm, ông Nguyễn Văn Nhã, ngụ tại ấp 7, xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) đang trồng hơn 2,2 ha mít Thái, ước tính thu lãi gần 1 tỷ đồng trong năm 2024 này.
Ông Nhã cho biết khu trồng mít hiện tại vốn trước đây cấy lúa. Thời tiết thất thường nên năng suất lúa cũng bấp bênh, chưa kể hạn mặn ảnh hưởng nhiều năm mất trắng. Sau thời gian tìm hiểu, ông quyết định vay vốn đầu tư chuyển đổi sang trồng mít, và giờ cho "trái ngọt".
Cũng giống như nhiều nhà vườn lớn ở xã Mỹ Thành Nam, ông Nhã chủ động ứng dụng kỹ thuật để mít cho trái rải vụ quanh năm. Nhờ chăm sóc tốt, vườn mít của gia đình ông có năng suất vượt trội, đạt 20-25 tấn/ha/năm. Trái ra rải vụ giúp hạn chế tình trạng “dội chợ”, lại có năng suất cao nên vườn mít của ông Nhã là một trong những “vườn điểm” tại địa phương.
Nâng cao giá trị kinh tế
Cùng với gia đình ông Nhã, ở xã Mỹ Thành Nam ngày càng có nhiều hộ trồng mít trúng lớn. Những năm qua, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi hàng trăm ha đất canh tác trong vùng ngập lũ, hiệu quả thấp, sang trồng mít Thái mang lại thu nhập cao, giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú.
Đáng chú ý, để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây mít Thái trên vùng ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang, xã Mỹ Thành Nam đã thành lập nhiều tổ hội, tổ hợp tác trồng chuyên canh mít Thái, thu hút hàng chục hộ dân tham gia trên diện tích canh tác hơn 20 ha.
Việc liên kết thành lập các tổ hợp tác, tổ hội, hướng tới thành lập các HTX trong thời gian tới giúp các hộ trồng mít chuyển giao kỹ thuật thâm canh, tiến tới lập hồ sơ cấp mã số vùng trồng nhằm xuất khẩu mít Thái chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giúp nông dân giảm nghèo bền vững.
Hình thành các vùng chuyên canh liên kết theo chuỗi giá trị, với đầu tàu là các tổ hợp tác, tổ hội, HTX cũng đang là định hướng chung của ngành nông nghiệp Tiền Giang tại các địa phương trồng mít.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có gần 15.000 ha mít Thái chuyên canh, cho sản lượng thu hoạch mỗi năm gần 300 nghìn tấn quả, cung ứng cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Định hướng xây dựng các vùng trồng theo chuỗi, vận động các hộ sản xuất vào HTX, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để mô hình trồng mít phát triển bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá. |
Diện tích mít Thái tập trung nhiều nhất ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, thị xã Cai Lậy. Sau nhiều năm “bén rễ”, cây mít cho thấy sự thích nghi rất tốt với điều kiện thổ nhưỡng ở Tiền Giang, đặc biệt trong bối cảnh hạn mặn ảnh hưởng ngày càng mạnh.
Mít Thái trở thành một trong những loại cây ăn quả thế mạnh của tỉnh Tiền Giang, cho năng suất cao và đầu ra thuận lợi, vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu đi nhiều quốc gia, chủ lực là Trung Quốc.
Hiện, toàn tỉnh có 72 mã số vùng trồng mít xuất khẩu với diện tích trên 8.600 ha và gần 300 mã số cơ sở đóng gói mít, cùng với sầu riêng, xoài, thanh long… xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh đang kỳ vọng với nỗ lực đáp ứng tiêu chí xuất khẩu chính ngạch trái cây nói chung, mít Thái nói riêng giúp tỉnh phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh ngành hàng trái cây xuất khẩu.
Bài toán phát triển bền vững
Trở lại với vụ mít năm 2024, theo các chủ vựa lớn tại thị xã Cai Lậy, một trong những lý do khiến giá mít liên tục được cải thiện kể từ đầu năm đến nay là bởi nguồn cung không nhiều, trong khi nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước lại tăng mạnh.
Bà Phương Ngọc, thương lái thu mua mít Thái nhiều năm trên địa bàn huyện Cai Lậy, cho hay những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, giá mít Thái loại 1 ở mức trên 40 nghìn đồng/kg, loại 2 là 30-35 nghìn đồng/kg, loại thấp nhất cũng trên dưới 30 nghìn đồng/kg, tăng 10-15 giá so với đầu năm.
“Với tình hình hiện tại, giá mít có thể duy trì mức cao cho đến cuối năm bởi nguồn cung ít, nhu cầu lớn. Cuối năm, nguồn cung cải thiện thì giá có thể giảm đôi chút nhưng nếu không có biến cố gì quá bất ngờ thì vẫn đảm bảo cho người trồng có lãi khá”, bà Ngọc dự báo.
Trong khi đó, theo đánh giá của ngành chức năng, kể từ đầu tháng 7, nông dân các địa phương chủ yếu tập trung chăm sóc phục hồi vườn mít sau khi trải qua mùa khô hạn khốc liệt, chuẩn bị cho vụ thu hoạch cuối năm. Do vậy, hiện tại nguồn cung không nhiều, từ đó đẩy giá tăng cao.
Bước sang năm thứ 2 trúng lớn, nhưng những bài học “chặt - trồng”, “được mùa mất giá” trong quá khứ đòi hỏi ngành nông nghiệp Tiền Giang và các hộ sản xuất cần có tính toán bài bản để tránh những “vết xe đổ”, đặc biệt là trong vấn đề mở rộng diện tích và tìm kiếm thị trường.
Những năm qua, để giúp nông dân các địa phương phát huy tiềm năng cây mít, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất lượng nguồn nông sản hàng hóa gắn với khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nông dân thiết lập vùng chuyên canh, triển khai việc cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch mít Thái sang thị trường Trung Quốc, đồng thời mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu khác.
Bên cạnh hoàn thiện sản xuất, nâng cao chất lượng, những diễn biến thực tế cho thấy các địa phương cần thúc đẩy hỗ trợ nông dân thành lập các HTX, tổ hợp tác, tổ hội... nhằm hình thành liên kết chuỗi với doanh nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo thị trường tiêu thụ với các đối tác lớn cả trong và ngoài nước, qua đó hình thành hướng đi lâu dài cho trái mít.
Nam Phương