Ông Lê Văn Lãm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng chia sẻ: “Kỳ Thượng là xã đặc biệt khó khăn nên để hoàn thành các tiêu chí, chính quyền và người dân phải nỗ lực gấp 3 – 4 lần so với các xã khác”.
![]() |
Làng quê Hà Tĩnh "thay áo mới" sau khi xây dựng NTM |
Hành trình gian nan
Những năm trước, khi nhận thức của người dân Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) còn hạn chế, mùa đông gần như cả làng, cả xã nghỉ việc đồng áng; vườn tược, đường xá không chỉnh trang, dọn dẹp gây nên cảnh nhếch nhác, ô nhiễm nghiêm trọng.
Năm 2010, cả tỉnh Hà Tĩnh bắt tay thực hiện Chương trình NTM nhưng Kỳ Thượng vẫn chưa định hình được phải bắt đầu từ đâu. Tiếp đó, những cuộc họp Ban chỉ đạo ra đời, công tác tuyên truyền từ xã về đến xóm, tổ tự quản và từng hộ gia đình. Đến năm 2014 những công việc cụ thể trong bộ tiêu chí quốc gia Kỳ Thượng mới chuyển được từ văn bản sang hành động.
Khi đó, toàn xã có đến gần 75 km đường liên xã, liên thôn, hầu hết lại đang là đường đất, nhỏ hẹp, gồ ghề nên khối lượng công việc phải làm để đạt tiêu chí giao thông lớn hơn cả một số huyện, chưa kể cấp xã.
Những bước đi chậm nhưng chắc
Để giảm gánh nặng cho người dân, Kỳ Thượng tận dụng tối đa chính sách hỗ trợ xi măng của Nhà nước. Khoảng 3 năm nay, bình quân mỗi năm, địa phương nhận từ 1.000 - 1.400 tấn xi măng hỗ trợ về bê tông hóa các tuyến đường và xây mới, chỉnh trang lại các nhà văn hóa thôn. Nguồn lực huy động từ dân là cát, sỏi và ngày công lao động. Bình quân khối lượng xi măng các xã chưa đạt chuẩn NTM hàng năm nhận hỗ trợ chỉ từ 300 - 500 tấn nhưng Kỳ Thượng lên đến hơn 1.000 tấn/năm.
![]() |
Gần 60 km đường giao thông nông thôn ở Kỳ Thượng đã được bê tông hóa. |
Ông Lãm không giấu được niềm tự hào: “Cuộc sống của bà con đang khó khăn nên chúng tôi chuyển từ việc huy động tiền sang huy động ngày công. Sự tự giác của người dân đã giúp địa phương bê tông hóa được hơn 80% các tuyến đường liên xã, liên thôn; chỉnh trang, xây mới đạt chuẩn 6/12 nhà văn hóa thôn…, một khối lượng khổng lồ đến chính những cán bộ như chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến”.
Năm 2014 khi Hà Tĩnh “khai sinh” tiêu chí 20 - khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu thì hàng nghìn vườn hộ ở Kỳ Thượng vẫn chỉ sản xuất mang tính tự cung tự cấp là chính. Không có khái niệm hàng rào xanh, vườn hộ không rào chắn hoặc nhà nào có điều kiện thì xây nên những khối bê tông, làm mất đi bản chất nông thôn ở mỗi làng quê.
Hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp rồi đến xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu, hiện toàn xã đã có hơn 170 vườn mẫu cho thu nhập từ 50 – 150 triệu đồng/năm, góp phần, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 45% (năm 2010) xuống 4,92% (năm 2019); những vườn hộ còn lại về cơ bản đã sắp xếp bài bản, quy củ, không còn cảnh nhếch nhác của những năm về trước.
Ông Lê Minh Dũng, thôn Bắc Tiến - một trong những hộ dân đầu tiên xây dựng mô hình vườn mẫu ở Kỳ Thượng chia sẻ, sau khi gia đình ông phá bỏ cây sắn, lạc, riềng, sả… chuyển sang trồng 1.200 gốc tiêu và 250 gốc cam, thu nhập bình quân 3 năm nay luôn ổn định trên dưới 20 triệu đồng/năm, dự kiến năm tới diện tích cam và tiêu còn lại cho thu hoạch, ước doanh thu tăng lên đạt hơn 250 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng trở thành một “cuộc cách mạng”. Các thôn, làng xây dựng hương ước lấy ngày thứ Bảy, Chủ nhật ra quân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Lâu dần, quy định này thành thói quen hàng ngày, việc vệ sinh các tuyến đường công cộng trở thành một phần không thể thiếu của người dân.
Tính đến thời điểm hiện tại xã Kỳ Thượng đã hoàn thành 13/20 tiêu chí. Địa phương đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2020.
Ngọc Giang