Khoảng 10 năm trước, ở nhiều xã vùng quê, thậm chí là thị trấn, đời sống của người dân chưa cao. Một số xã mức sống còn nghèo, điển hình như: xã Ninh Sơn, Trung Sơn, Tự Lạn… (huyện Việt Yên), xã Tiên Lục, Xuân Hương, Dương Ðức (Lạng Giang)... Từ việc triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia, kinh tế Bắc Giang thêm vững chắc từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, trực tiếp do Ngân hàng Chính sách xã hội vun đắp qua nhiều năm, góp sức bền phát triển cho từng tế bào kinh tế nhỏ nhất và yếu thế nhất của tỉnh là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các con đường của thôn Đông Thượng đã được bê tông cứng hóa sạch sẽ, thoáng rộng (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay đã có 178.200 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 158.450 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 5.200 lao động được tạo việc làm; đầu tư xây dựng trên 50.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trợ giúp gần 1.600 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ...
UBND tỉnh ước tính nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của Bắc Giang năm 2019 giảm 2,24% so với năm 2018, ước giảm còn 5,05%, vượt kế hoạch 0,24%. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn năm 2019 ước giảm còn 22,61% (giảm 9,55% so với năm 2018), vượt kế hoạch 5,55% (kế hoạch giảm bình quân 4%/năm).
Hiện tại, vốn tín dụng chính sách được triển khai trên tất cả 230 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 255 điểm giao dịch xã/230 xã, trở thành một động lực giúp Bắc Giang ước đạt 25 xã đạt chuẩn NTM năm 2019, lũy kế số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới từ năm 2016 - 2019 ước đạt 114 xã.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, cùng với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và xây dựng NTM từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh Bắc Giang cũng đang tập trung nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng vốn giải ngân đạt 261.745/562.185 triệu đồng. Đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.
Mỳ gạo Chũ Lục Ngạn |
Bên cạnh đó, với việc thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Một số sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tập thể, mẫu mã đẹp, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, được thị trường và nhiều người tiêu dùng biết đến như: Mỳ gạo Chũ, vải thiều, chè xanh bản Ven, gà đồi Yên Thế, Trà Hoa vàng, rượu Vân, mật ong rừng Tây Yên Tử, nấm Lim xanh và một số sản phẩm rau củ quả..., góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của các địa phương.
Những kết quả đã đạt trong thời gian qua chính là nền tảng để Bắc Giang hướng tới tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và xa hơn nữa cho giai đoạn 2021-2030 là hướng đến NTM kiểu mẫu nâng cao. Cùng với những nỗ lực của riêng tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lê Ánh Dương kiến nghị Trung ương sớm xây dựng danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 cho các địa phương; Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm xây dựng tiêu chí huyện nghèo 30a, xã nghèo trong giai đoạn mới và ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025…
Ngọc Giang