Với điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, nên nghề làm chổi đang là một trong những hướng đi mới cho sự phát triển kinh tế của địa phương nơi đây. Tuy nhiên, việc thiếu đi một điểm tựa từ một mô hình kinh tế cụ thể đã và đang là trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của chính làng nghề.
Khi làng nghề cứu kinh tế địa phương
Theo thống kê của UBND xã Thạch Mỹ, có hơn 90% số hộ dân ở thôn Hà Ân làm nghề chổi truyền thống, hàng năm cung cấp hàng chục ngàn sản phẩm chổi các loại cho tỉnh Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung bộ với doanh thu lên tới hàng tỷ đồng. Sự phát triển của làng nghề đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Thạch Mỹ.
Ông Nguyễn Anh Vũ - một người cao tuổi ở thôn Hà Ân, cho biết do điều kiện thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, hoạt động sản xuất nông nghiệp không có điều kiện thuận lợi để phát triển, nên nghề làm chổi là nghề chính của người dân địa phương. Và nơi đây được mệnh danh là “cái nôi” sản xuất chổi của tỉnh Hà Tĩnh.
“Nghề làm chổi tuy thu nhập không được cao so với những nghề khác, song nhiều gia đình ở đây nhờ có nghề của cha ông để lại, cộng với đức tính chịu khó, khiếu thẩm mỹ cao, với phương châm “lấy công làm lãi”, nên nghề làm chổi đã trở thành kế mưu sinh chính cho người dân nơi đây. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định”, ông Vũ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng thôn Hà Ân, cho biết: “Trong những năm gần đây, làng nghề đã có nhiều thành tựu trong phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn, nhất là trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu. Nguyên nhân là do những năm trước, nguyên liệu chính làm chổi là cây đót hết sức dồi dào, song thời gian gần đây, do nạn phá rừng bừa bãi, nên nguồn nguyên liệu khan hiếm. Các hộ dân ở đây phải thành lập các THT khoảng 25 - 30 người, sang các vùng núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, Quảng Bình để tìm nguồn hàng.
Theo ông Đức, trung bình một ngày, người thợ làm nghề ở Hà Ân có thể làm được 15kg đót khô, để làm ra được khoảng 20 sản phẩm chổi các loại. Người khéo tay thì có thể làm ra 25 sản phẩm. Sau khi trừ các chi phí, thu nhập của người làm nghề dao động từ 100.000 -150.000 đồng/ngày. Mức thu nhập tuy chưa thật sự cao so với các nghề khác, nhưng cũng đã trở thành kế sinh nhai chính, đủ đáp ứng được cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây.
Làng nghề chổi truyền thống Hà Ân cần có mô hình THT để vươn xa
Lập THT để phát triển tiềm năng
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Võ Tá Hiếu - Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 26 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp nông thôn và Nghị quyết 06 của Đảng bộ huyện Lộc Hà về đẩy mạnh phát triển mô hình HTX, THT, chính quyền xã đang nghiên cứu, theo dõi để tiến tới thành lập đề án THT làng nghề ở thôn Hà Ân. Điều này sẽ là lời giải cho bài toán giữ gìn, bảo tồn làng nghề truyền thống, vừa giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. “Quan trọng nhất, đó là tiền đề, là điều kiện tư cách pháp nhân cho làng nghề đẩy mạnh, mở rộng hoạt động sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho sự liên kết hợp tác của làng nghề với các đối tác, doanh nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu bao tiêu sản phẩm, để thương hiệu chổi Hà Ân đến được với đông đảo người tiêu dùng trong thời gian tới”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thiết nghĩ việc thành lập THT làng nghề truyền thống ở Hà Ân là hết sức cần thiết trong việc đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm ra thị trường. Bởi, nghề chổi truyền thống ở Hà Ân có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển, như mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, chất lượng sản phẩm đã được khẳng định. Và quan trọng hơn cả, chổi là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình, nên dễ bề tiêu thụ. Việc thành lập mô hình THT Hà Ân là cơ sở, bước đệm quan trọng cho việc thành lập HTX kiểu mới tại địa phương trong thời gian tới.
Nguyễn Hiếu