Khoảng 3 năm về trước, cánh đồng xã Thạch Hưng và Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) vốn là vùng trồng lúa thấp trũng, không mang lại nhiều giá trị kinh tế. Nhưng từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển theo mô hình kinh tế tập thể, vùng đất trũng đã thực sự "nở hoa" và cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần.
‘Hốt bạc’ nhờ trồng sen trên ruộng đồng chiêm trũng
Tại tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch nhằm nâng cao đời sống thành viên, sau khi thỏa thuận với các hộ dân, anh Trần Tiến Sỹ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen Hào Thành (xã Đồng Môn) thuê lại đất và đầu tư 1,3 tỷ đồng cải tạo, chỉnh trang ruộng để chuyển đổi sản xuất sang trồng sen.
Trồng sen từ cánh đồng chiêm trũng mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho các thành viên HTX Nông nghiệp Sen Hào Thành. |
Anh Trần Tiến Sỹ cho biết: “Bắt tay vào mô hình sản xuất sen, HTX có hai vùng sản xuất thuộc địa bàn thôn Đồng Trang (5 ha) và Thanh Tiến (7,2 ha) thuộc xã Đồng Môn. Ban đầu, vùng này chủ yếu là đất lúa kém hiệu quả của bà con nông dân. Sau khi UBND thành phố, xã Đồng Môn triển khai chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, chúng tôi đã mạnh dạn tiếp cận, cùng cấp ủy, chính quyền vận động bà con cho thuê”.
Với 9,2 ha là đất HTX Nông nghiệp Sen Hào Thành thuê lại của bà con nông dân theo hình thức trả bằng tiền và 3 ha là đất do UBND xã quản lý, cùng với việc liên kết với các tổ hợp tác, đến nay, HTX có gần 16 ha trồng sen. Tất cả các diện tích đã được phủ kín với hơn 30 giống sen như: sen bách diệp, sen cao sản, sen hoàng yến, sen nghìn cánh…
Mục tiêu của HTX là khai thác giá trị hàng hóa, chế biến các sản phẩm từ sen nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của TP Hà Tĩnh, kết nối với các chuỗi sản xuất trên thị trường.
Ông Dương Công Kiểu, thành viên HTX Sen Hào Thành cho biết: “Mùa sen năm nay bắt đầu thu hoạch, dự kiến với diện tích 2,5 sào, gia đình tôi thu được hơn 8 tạ. Thu hái từ hồ lên là chúng tôi vận chuyển nhập về cơ sở sản xuất của HTX. Tại đây, các thành viên khác sẽ thực hiện các khâu sơ chế, đóng gói để cung ứng ra thị trường”.
Theo đánh giá, đối với trồng sen lấy hạt, người nông dân có thể cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm và trên 300 triệu đồng/ha/năm đối với sen lấy củ (mỗi năm 2 vụ). Ngoài thu mua sen nguyên liệu (bông sen, hạt sen, lá sen, ngó sen, tâm sen, củ sen), HTX cũng đã chế biến hàng chục sản phẩm từ sen như: trà búp sen, trà lá sen, hoa sen sấy giòn, hạt sen tươi, củ sen sấy, tinh bột sen, kim chi củ sen, rượu sen… Tất cả các sản phẩm đã được giới thiệu và bày bán ở 5 điểm cửa hàng bán lẻ của hệ thống Thành Sen Mart và một số điểm kinh doanh rau, củ, quả sạch. Giá bán trung bình các sản phẩm dao động từ 70 - 120 nghìn đồng/sản phẩm (tùy loại), khá phù hợp với số đông người tiêu dùng.
HTX đặt mục tiêu đến hết năm nay mở rộng diện tích sản xuất sen khoảng 20 - 25 ha, liên kết chuỗi sản xuất với 8 tổ hợp tác (35 - 40 hộ dân).
Cánh đồng lúa lớn mang lại lợi nhuận gần 500 triệu đồng
Phong trào dồn điền đổi thửa không chỉ mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế lớn cho TP Hà Tĩnh nói riêng, mà đang tạo ra “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (huyện Thạch Hà) đã thuê gần 28ha đất sản xuất của nông dân trong xã xây dựng cánh đồng lớn.
Phong trào dồn điền đổi thửa đang tạo ra “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh. |
Anh Trần Hậu Nhân, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn trải lòng: Những ngày đầu hình thành ý tưởng thuê đất sản xuất lúa, HTX nhận được sự đồng thuận, tạo điều kiện rất lớn của cả chính quyền địa phương và người dân. Sau khi hoạch định phương án sản xuất cụ thể, HTX thuê 27,9ha của 154 hộ dân tại xứ đồng Thiên Đình, thuộc 2 thôn Đông Tiến và Lộc Ân trong 5 năm để gieo cấy một loại giống Nếp 98. Giá thuê là 60kg thóc/sào/năm, quy đổi thành tiền. Đến vụ xuân năm 2021, HTX thuê thêm 25,9ha ở xứ đồng Đồng Mộc 0- Cày Máy của thôn Xuân Sơn, kề bên cánh đồng Thiên Đình để tạo thành cánh đồng thẳng cánh cò bay hơn 53ha.
Anh Nhân phấn khởi chia sẻ: “Chưa bao giờ nông dân làm ruộng khỏe như bây giờ. Công đoạn cày, gặt, phun thuốc bảo vệ thực vật đều có máy móc, công nghệ. Bà con chỉ mất vài ngày gieo sạ và bón phân. Không những thế, hệ thống đường nội đồng mở rộng, kênh mương được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch".
Năng suất lúa trên cánh đồng HTX đang sản xuất bình quân đạt 6,5 tấn/ha lúa tươi, tăng 0,8 tấn/ha so với khi chưa chuyển đổi; chi phí làm đất và thu hoạch sau khi chuyển đổi giảm 800 ngàn đồng/ha; diện tích đất sản xuất sau khi phá bỏ bờ thửa tăng từ 53,8ha lên 55ha. “Sau khi thực hiện tích tụ ruộng đất, phá bỏ ô thửa nhỏ hình thành cánh đồng lớn, tổng doanh thu vụ lúa xuân bình quân của HTX đạt hơn 1,8 tỷ đồng/vụ (tính theo năng suất bình quân 6,5 tấn/ha và giá lúa tươi 5.300 đồng/kg); lợi nhuận gần 500 triệu đồng”, anh Nhân nhẩm tính.
Thúc đẩy mục tiêu xóa đói, giảm nghèo
Có thể thấy, từ vùng đất chiêm trũng, người dân sống thuần nông với năng suất lúa thấp và thu nhập bấp bênh, bằng huy động nông dân góp đất, lập kế hoạch và cùng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để HTX, hộ sản xuất thuê lại đang phát huy hiệu quả sản xuất, mở ra cơ hội mới trong sản xuất nông sản hàng hóa và nâng cao thu nhập, tạo việc làm giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Theo mục tiêu đến năm 2025, Hà Tĩnh tập trung, tích tụ đạt 15.000 ha; từ 2025-2030 đạt 30.000 ha. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đến nay, có 10/13 đơn vị cấp huyện có số liệu báo cáo về kế hoạch thực hiện công tác tập trung, tích tụ đất đai với 122 đơn vị cấp xã, diện tích 16.059,39 ha. Trong đó, năm 2023 tập trung, tích tụ 5.106,86 ha; năm 2024 dự kiến là 3.652,57 ha; năm 2025 là 3.227,58 ha; sau năm 2025 là 4.073,2 ha.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho hay: “Sau chuyển đổi, 100% cánh đồng được bố trí sản xuất các giống lúa mới, chất lượng cao, liên kết doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Quan trọng, cách thức sản xuất mới từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất, chuyển từ nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống sang tập trung, đồng nhất về giống, quy trình và sản phẩm, từng bước tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân”.
Nhờ làm tốt công tác tích tụ ruộng đất mà những vùng sản xuất rộng lớn, quy hoạch tập trung được hình thành. Chính từ xuất phát đó, ngày càng nhiều người dân ở Hà Tĩnh quan tâm đầu tư vào nông nghiệp với nhiều chủ thể khác nhau: doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, dựa trên việc thuê lại những vùng đất đã quy hoạch tập trung từ 2 - 3 ha đến vài chục ha/mô hình, hình thành những cánh đồng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, mở ra cơ hội thoát nghèo và vươn lên cho người nông dân.
Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, năm 2022, toàn tỉnh còn 14.527 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,79% - giảm 3.321 hộ nghèo so với năm 2021. Mục tiêu đến năm 2025, 100% xã có tỷ lệ nghèo đa chiều đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025.
Để hoàn thành mục tiêu Chương trình Quốc gia về giảm ghèo bền vững trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ triển khai các dự án như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, việc làm bền vững…
Tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích gắn kết doanh nghiệp thông qua HTX hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân; góp phần thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh từng bước đi lên và phát triển bền vững.
Hoàng Hà