Theo Cục Thuế Tp.Hà Nội tổng hợp đến giữa năm nay, trên địa bàn Hà Nội có 969 HTX đang hoạt động. Trong đó phân chia ra ở Thủ đô không phải chiếm ưu thế HTX nông nghiệp như nhiều phân tích trước đây (thực tế chỉ có 383 HTX, tỷ lệ 39,5%), mà phần lớn các HTX ngành nghề phi nông nghiệp (với 586 HTX, chiếm 60,5%).
Số HTX nộp thuế tăng
Bức tranh phân bố loại hình HTX còn tách bạch ở nội đô và ngoại ô. HTX nông nghiệp cơ bản không còn ở các phường, quận, gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông và còn khá nhiều ở các quận mới như Bắc Từ Liêm 22 HTX, Nam Từ Liêm 21 HTX.
Ở ngoại thành, tính chất manh mún của HTX nông nghiệp thấy rất rõ. Hiện chiếm số lượng lớn ở “vùng trũng” nhiều HTX quy mô thôn nhỏ lẻ, như Mê Linh 58 HTX, Đông Anh 43 HTX, Quốc Oai 34 HTX, các huyện Sóc Sơn và Ba Vì đều có 22 HTX nông nghiệp.
Cục Thuế Tp.Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 6/2017, việc chấp hành nghĩa vụ kê khai của các HTX về cơ bản đã thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên còn một số HTX chưa nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn và lập hồ sơ khai thuế và báo cáo tài chính năm còn có sự sai sót, chưa đúng quy định do một số cán bộ kế toán của HTX còn thiếu kinh nghiệm trong việc hạch toán các nghiệp vụ kế toán, kê khai các chỉ tiêu trên tờ khai thuế.
Số HTX đã thực hiện việc đăng ký kê khai thuế điện tử chiếm trên 80% và số HTX thực hiện nộp thuế điện tử chiếm trên 60% số lượng HTX. Số thuế nộp của HTX về cơ bản tăng, tập trung ở các sắc thuế GTGT, thuế TNDN và các khoản thu liên quan đến đất đai.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Thuế đã minh bạch hóa 11 HTX nợ tiền thuê đất, nợ thuế, phí với tổng số tiền nợ là 5,316 tỷ đồng.
Ngành thuế triển khai kịp thời đến 100% số HTX các chương trình cải cách thủ tục hành chính thuế
Tăng cường quản lý thuế HTX
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Đại diện Cục Thuế Tp.Hà Nội cho biết, hàng năm ngành thuế tổ chức tập huấn pháp luật thuế mới và chính sách sửa đổi bổ sung, đồng thời tổ chức đối thoại đến các HTX.
Ngành thuế triển khai kịp thời đến 100% số HTX các chương trình cải cách thủ tục hành chính thuế (cắt giảm các mẫu biểu kê khai thuế) và các chương trình hiện đại hóa thu nộp thuế, như kê khai và nộp thuế điện tử. Kết quả các HTX đều tiếp cận và triển khai tốt thu nộp thuế theo hướng hiện đại hóa.
Các HTX đang hoạt động trên địa bàn đều thuộc đối tượng điều chỉnh bởi các quy trình quản lý thuế như kê khai, khai thuế điện tử, quy trình quản lý nợ, hóa đơn, quy trình thanh tra, kiểm tra và các quy trình khác có liên quan.
Việc thực hiện các quy trình góp phần tăng cường công tác quản lý thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, hạn chế các sai sót trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật thuế tại HTX.
Để phù hợp với việc đăng ký thuế theo Luật Quản lý thuế, các HTX khi thành lập mới thực hiện việc đăng ký cấp mã số thuế và phân cấp cho Chi cục Thuế quản lý. Và hiện nay, việc phân công quản lý thuế với HTX được thực hiện theo Quyết định 2485/QĐ-BTC, đồng thời gắn với việc phân cấp nguồn thu ngân sách theo Nghị quyết HĐND Tp.Hà Nội.
Theo đó, ở các quận huyện giao phòng Kinh tế giữ vai trò Thường trực BCĐ KTTT cấp quận, huyện. Phòng Kinh tế đã bố trí cán bộ theo dõi các HTX, thu thập thông tin, đôn đốc và hướng dẫn các HTX hoạt động theo Luật HTX 2012. Hàng năm, phòng Kinh tế cấp quận huyện đánh giá, phân loại HTX và báo cáo Liên minh HTX Tp.Hà Nội (cơ quan Thường trực BCĐ KTTT thành phố).
Theo Cục thuế Tp.Hà Nội, ngành thuế từ thành phố đến cấp quận huyện đã có quy chế phối hợp với các đơn vị chức năng nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính cho HTX, như cấp mã số thuế và thay đổi đăng ký kinh doanh cho các HTX.
Đối với các chi cục thuế, tính đặc thù ở từng quận huyện chi phối rất lớn tới công tác quản lý thuế đối với các loại hình HTX trọng điểm. Bởi vậy, các chi cục thuế rất coi trọng khuyến khích phát triển ngành nghề của các HTX trọng điểm, nhất là tham mưu chính quyền có chính sách phù hợp phát triển HTX nông nghiệp tại các huyện ở vùng ngoại thành.
Lưu Đoàn