Tháng 8/2023, ở xã Phước Đông đã ra mắt HTX nông nghiệp EcoG9 với 6 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông sản, thực phẩm, thiết bị phụ kiện điện tử và gia dụng. Một số sản phẩm điển hình của HTX là sữa non nghệ vàng, sâm Hàn Quốc vị cà phê, ốc ngậm sâm ngủ đông, màng hấp thụ sóng điện từ bảo vệ sức khoẻ EcoG9…
Liên kết phát triển kinh tế hợp tác ở Phước Đông
Mục tiêu phát triển của HTX nông nghiệp EcoG9 là chú trọng việc liên doanh, liên kết 4 nhà (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp) để bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hạn chế rủi ro, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Qua đó, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mô hình trồng rau thủy canh của HTX nông nghiệp công nghệ cao Phước Hoàng An ở xã Phước Đông. |
Hoạt động phát triển kinh tế hợp tác ở xã Phước Đông đã được đẩy mạnh trong thời gian qua. Điển hình như HTX nông nghiệp công nghệ cao Phước Hoàng An được thành lập cách đây một năm với 7 thành viên, do anh Huỳnh Huy Hoàng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Anh Hoàng đầu tư xây dựng 2 nhà màng trồng rau thuỷ canh trên diện tích mặt đất 2.000m2. Để mở rộng diện tích gieo trồng, tăng sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nhau trong sản xuất và kinh doanh, anh Hoàng mời một số người tham gia và đăng ký thành lập HTX.
Các loại rau anh Hoàng trồng gồm: cải bẹ xanh, bẹ dúng, xà lách, cải thìa, cải ngọt, mồng tơi… Tuỳ theo loại rau, từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch khoảng từ 35 - 40 ngày (riêng cải xà lách từ 40 - 45 ngày). Hiện nay, cơ sở trồng rau thuỷ canh của anh Hoàng cung cấp ra thị trường khoảng 50kg rau các loại/ngày.
Bà Tô Cẩm Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông cho biết, mô hình rau thuỷ canh của anh Hoàng và HTX nông nghiệp công nghệ cao Phước Hoàng An là mô hình mới ở địa phương. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong nông nghiệp, cũng chưa được qua lớp tập huấn nào, chỉ tham khảo tài liệu mà anh Hoàng mạnh dạn đầu tư trồng rau thuỷ canh công nghệ cao và bước đầu đạt hiệu quả.
Hoặc như HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Gò Dầu cũng chọn xã Phước Đông làm "đại bản doanh". HTX được thành lập cách đây 5 năm với 20 thành viên ban đầu. Diện tích đất sản xuất của HTX hơn 17 ha, trong đó hiện có 5.700 m2 nhà màng công nghệ cao trồng rau quả các loại.
Đây là HTX trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Gò Dầu. Ngoài việc canh tác các loại cây ăn quả, rau đậu các loại và cây cảnh, cây hằng năm khác, HTX này còn tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; cung ứng giống cây trồng, vật nuôi các loại, cũng như cung ứng vật tư nông nghiệp cao, lắp đặt và cung ứng trang thiết bị nhà màng, nhà kính và tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc, tư vấn nông nghiệp 4.0…
Tập trung xây dựng huyện nông thôn mới
Ngoài ra, ở xã Phước Đông còn có HTX chợ Phước Đông được thành lập với ngành nghề được đăng ký là cho thuê ki-ốt, nhà lồng chợ, dịch vụ giữ xe. Với diện tích 2.000m2, chợ Phước Đông được xây dựng đảm bảo các tiêu chí đối với loại hình chợ truyền thống tại địa phương, trong đó việc đảm bảo vệ sinh, môi trường, phòng cháy chữa cháy... được HTX quan tâm thực hiện tốt. Chợ có 110 sạp đã được tiểu thương thuê kín chỗ, kinh doanh đa dạng các mặt hàng từ quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm tươi... bảo đảm đáp ứng nhu cầu của công nhân và người dân địa phương.
Huyện Gò Dầu đang tập trung hướng tới hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023. |
Từ việc phát triển kinh tế hợp tác như vậy đã góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao ở xã Phước Đông. Và vào cuối tháng 8/2023, xã Phước Đông đã được tỉnh Tây Ninh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Cách đây một năm, Phước Đông được UBND tỉnh Tây Ninh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Với sản xuất nông nghiệp của xã ngày phát triển, nhất là dấu ấn của các HTX, qua đó đã tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao nguồn thu nhập của nông dân địa phương. Ước tính thu nhập bình quân của người dân ở xã Phước Đông hiện khoảng 77 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo trên địa bàn xã được kéo giảm đáng kể. Tính đến cuối năm 2022, toàn xã chỉ còn 8 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 3 hộ không có khả năng lao động, chiếm tỷ lệ 0,13%.
Cùng với xã Phước Đông thì huyện Gò Dầu cũng đang tập trung xây dựng huyện nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao và rà soát các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu các cuối năm của huyện Gò Dầu là duy trì, giữ vững 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài xã Phước Đông được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao, trong huyện có xã Bàu Đồn vào tháng 8/2023 đã được tỉnh Tây Ninh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Qua rà soát, đánh giá thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, xã Bàu Đồn đạt 3/3 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100%.
HTX trồng sầu riêng giúp dân Bàu Đồn làm giàu
Hồi năm 2022, xã Bàu Đồn được UBND huyện Gò Dầu chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, từ khi triển khai thực hiện thì đời sống của người dân ngày càng cải thiện hơn.
Trong thành quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Bàu Đồn có sự góp sức rất lớn của khu vực kinh tế hợp tác. Nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân, xã Bàu Đồn đã thành lập 2 HTX và 3 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để giúp người nông dân phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định. Nông dân đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ hoạt động hiệu của HTX Cây ăn trái Bàu Đồn giúp cho trái sầu riêng Bàu Đồn có mặt tại các cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc. |
Đến nay, toàn xã Bàu Đồn có hơn 1.000 ha trồng sầu riêng, hơn 40 ha cây sầu riêng trồng theo chuẩn VietGAP và sản phẩm sầu riêng Bàu Đồn của HTX Cây ăn trái Bàu Đồn đã được cấp giấy chứng nhận OCOP đạt 4 sao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và giúp người nông dân phát triển kinh tế. Qua rà soát, thu nhập bình quân mỗi năm của người dân xã Bàu Đồn đến nay đã đạt hơn 83 triệu đồng/người/năm.
Trong hoạt động kinh tế hợp tác của xã Bàu Đồn phải kể đến HTX Cây ăn trái Bàu Đồn hiện có 32 thành viên sản xuất trên 40ha, chủ yếu là sầu riêng. Tiền thân của HTX này là các tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp trong xã.
Khi các tổ hợp tác dần đi vào hoạt động ổn định, địa phương chủ trương sáp nhập các tổ, thành lập HTX Cây ăn trái Bàu Đồn. Điều này nhằm tạo chuỗi liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng, tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường đầu ra bền vững. Nhờ đó, nông dân xã Bàu Đồn đã trồng đến 1.000ha sầu riêng; trong đó 800ha đang cho trái, doanh thu năm 2023 hơn 640 tỷ đồng.
Cách đây 2 năm, HTX Cây ăn trái Bàu Đồn đăng ký vùng trồng, mã QR nhãn hiệu sầu riêng. Nhờ vậy, nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm cây ăn trái ở Bàu Đồn. Đặc biệt trái sầu riêng do HTX sản xuất được tỉnh Tây Ninh và ngành nông nghiệp quan tâm quảng bá rộng rãi.
Nhờ có tem nhãn, mã QR, người tiêu dùng có thể nhận biết được trái sầu riêng do HTX phân phối, cũng như biết được loại trái cây này có xuất xứ từ Bàu Đồn. Hiện tại, trái sầu riêng của HTX Cây ăn trái Bàu Đồng đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc.
Từ khi liên kết với HTX cây ăn trái Bàu Đồn để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân được lợi khá nhiều. Điều này cũng khiến cho tên tuổi của “thủ phủ” sầu riêng Bàu Đồn thêm nức tiếng, vang danh hơn. Thời gian tới, UBND xã Bàu Đồn sẽ tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia HTX để tạo nguồn đầu ra ổn định, vững chắc và giúp có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn nữa.
Thanh Loan