Là huyện thuần nông, Giồng Riềng có 18 xã, 1 thị trấn, với 128 ấp, khu phố, 80% tổng số hộ toàn huyện sản xuất nông nghiệp. Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), điểm xuất phát của huyện còn thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu.
Bộ mặt nông thôn khởi sắc
Xuất phát từ thực tế đó, huyện Giồng Riềng xác định công tác tuyên truyền, vận động chính là giải pháp hàng đầu để nhân dân nhận thức rõ vai trò của mình trong xây dựng NTM. Huyện đã tổ chức triển khai các chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với nội dung tiêu chí xây dựng NTM.
Nhiều chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn được lồng ghép vào nhau để huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng; ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết, kế hoạch thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM.
Với khẩu hiệu “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, nhiều mô hình, phong trào rất có ý nghĩa đã xuất hiện ở Giồng Riềng. Trong đó nổi bật là “Chương trình thắp sáng đường quê” do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tham mưu tổ chức, chương trình “5 không 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tham mưu tổ chức triển khai thực hiện.
Phòng NN&PTNT và Phòng TN&MT phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã chỉ đạo vận động nhân dân xây dựng lò đốt rác gia đình. Các xã cũng triển khai mô hình cánh đồng sản xuất quy mô lớn giảm chi phí, tăng lợi nhuận, liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Với tiềm năng và lợi thế về sản xuất nông nghiệp (diện tích đất nông nghiệp gần 60.000 ha, trong đó đất sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm là 44.000 ha), huyện đã tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo mô hình Tổ hợp tác (THT) và HTX nông nghiệp. Đến nay, huyện đã thành lập được 1.155 THT, 77 HTX nông nghiệp.
Là xã nghèo nhất của huyện Giồng Riềng, Bàn Thạch có hơn 50% nhân khẩu là đồng bào Khmer. Nhờ thực hiện mô hình THT và HTX nông nghiệp, Bàn Thạch không những bảo đảm cung cấp lúa gạo chất lượng cao để xuất khẩu mà còn đưa hàng trăm hecta màu xuống ruộng; tận dụng mặt nước nuôi thả và thu hoạch hàng trăm tấn cá đồng các loại.
Mô hình THT và HTX giúp cuộc sống của đồng bào Khmer ở Giồng Riềng phát triển |
Kết quả ấn tượng
Mô hình THT và HTX nông nghiệp đã góp phần giúp cuộc sống của đồng bào Khmer ở Giồng Riềng phát triển. Bộ mặt nông thôn, nhất là ở những xã đặc biệt khó khăn ngày càng khởi sắc. Nhiều xã đã hoàn thành xây dựng NTM rất sớm. 90% số hộ Khmer đã có phương tiện đi lại, nghe nhìn, được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ông Phan Đình Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, cho biết bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, huyện luôn coi trọng việc chỉ đạo điểm và xây dựng các mô hình hiệu quả. Những xã có ưu thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội được lựa chọn để xây dựng mô hình chỉ đạo điểm. Sau đó, tổ chức hội nghị đánh giá mặt được và chưa được trong công tác chỉ đạo điều hành. Với các cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, huyện tổ chức cho cán bộ và nhân dân nơi khác tham quan, học tập rút kinh nghiệm.
Theo ông Trần Ngọc Khải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Giồng Riềng, sau 10 năm phát động phong trào và triển khai thực hiện xây dựng NTM, huyện đã đạt được kết quả rất ấn tượng. Tính đến nay, toàn huyện đã có 15/18 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã còn lại đã được thẩm định đạt 19/19 tiêu chí, đang chờ công nhận. Giồng Riềng phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020.
Thu nhập bình quân đầu người từ 21,7 triệu đồng năm 2010, tăng lên hơn 47 triệu đồng/ người năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,95% xuống 3,49%. 10 năm qua, huyện đã huy động được 1.487 tỷ đồng từ nhân dân, vốn ngân sách, tín dụng và doanh nghiệp hỗ trợ để xây dựng NTM. Trong suốt quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, Giồng Riềng không để xảy ra nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản.
Các trục đường chính toàn huyện được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài hơn 258 km, đường ngõ xóm trên 683 km. Toàn huyện có 18/18 xã đã đạt tiêu chí giao thông. Huyện cũng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trung bình mỗi xã có ít nhất 2 - 3 HTX hoạt động đúng Luật HTX 2012 và sản xuất có hiệu quả, có liên kết đầu vào vật tư nông nghiệp, đầu ra nông sản. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có thu nhập 100 - 200 triệu đồng/ha, cao nhất là mô hình trồng hồ tiêu, mô hình màu chuyên canh, thu nhập 200 - 245 triệu đồng/ha.
Hà Xuyên