Từ khi thành lập, HTX luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như hỗ trợ cho người dân làm đường giao thông nông thôn, trồng cây xanh ở các nơi công cộng, san lấp các bãi trống để trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Giải quyết điểm nóng môi trường
Với mục tiêu thực hiện Tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và Tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm, hoạt động của HTX gắn liền việc giải quyết câu hỏi “Làm thế nào để công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trở thành thói quen trong nếp sống và sinh hoạt của mỗi người dân”. Đây cũng là vấn đề then chốt, yếu tố quyết định đến thành công của HTX.
Người lao động tại HTX đang phân loại vỏ chai |
Vì thế, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc HTX luôn chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền rộng rãi đến các thôn, xóm, cơ quan đơn vị trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân trong việc tích cực tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn.
HTX đã cử cán bộ xuống các thôn, xóm để hướng dẫn nhân dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, đồng thời tổ chức hoạt động trồng cây xanh, cây cảnh ở các cơ quan đơn vị, các khu vui chơi trên địa bàn tỉnh và chú trọng giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại các xã, phường, thị trấn.
Đến nay, công tác vệ sinh môi trường được HTX triển khai rộng rãi trên địa bàn 39 thôn, tổ dân phố của 10 xã, phường thuộc thành phố Tuyên Quang và 2 đơn vị cấp xã (xã Đội Bình, thị trấn Tân Bình) huyện Yên Sơn, cùng 8 cơ quan đơn vị khác.
Nhiều giải pháp hiệu quả trong việc thu gom, phân loại rác từ các hộ gia đình đã được HTX áp dụng. Điển hình như việc phân loại rác thải nhựa, ni lông, bao tải, bao bì để đi tái chế; thực hiện sơ chế nhựa phế thải thành hạt và đóng bao theo từng chủng loại nhựa đã chọn để cung cấp theo đơn đặt hàng của các cơ sở tái chế theo quy trình, biến các nguyên liệu nhựa hạt này thành các mặt hàng đồ nhựa theo yêu cầu của thị trường.
Tạo việc làm cho người dân
Mỗi tháng, hơn 100 tấn nhựa phế thải và hơn 200 tấn bao tải, bạt rách thu từ nguồn rác sinh hoạt và rác tạp ở các khu công cộng được phân xưởng tái chế nhựa của HTX tiếp nhận và tái. Đối với bao tải và bạt rách khi thu gom về, HTX cho vào máy giặt sạch, phơi khô ép thành bánh chở về nơi sản xuất tái chế ra các loại bao bì mới. Số giấy vụn thu gom và giấy thải từ máy giặt ra, HTX đã lắp một máy xeo giấy để tận dụng làm ra bìa cát tông đóng các loại thùng hàng và làm ngói blu xi măng. Bình quân mỗi tháng, HTX xử lý được trên 400 tấn giấy.
Nhờ đó, HTX đã giảm thiểu số lượng rác phải tiêu hủy xuống còn 45%, hạn chế rất nhiều khói bụi nếu đem đốt và tiết kiệm được hàng ngàn m3 đất nếu đem chôn lấp. Ngay cả việc phân loại, nghiền nhựa thành hạt tại xưởng nghiền và giặt bao tải cũng chỉ dùng phương pháp cơ học nên không gây bụi, không gây khói phát tán ra xung quanh, hiệu quả giữ gìn môi trường là rất cao.
Công tác vận hành công việc ngày càng thuần thục, nề nếp, hiệu quả của HTX đã giúp các thành viên và người lao động có thu nhập ổn định, bình quân từ 4,5 đến 6,0 triệu đồng/người/tháng. 100% thành viên HTX đã ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 thành viên là Cựu chiến binh, con cháu cựu chiến binh và 3 gia đình chính sách, trong đó có 38 hộ nghèo.
Với những việc làm cụ thể, tích cực, HTX đã góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới tại các xã thuộc thành phố Tuyên Quang nơi HTX triển khai hoạt động.
Thời gian tới, ban lãnh đạo HTX xác định cần tập trung làm thật tốt công tác tuyên truyền tại cơ sở để người dân nhận thấy được công tác BVMT là rất quan trọng, từ đó tự nguyện tham gia vào các hoạt động do HTX tổ chức. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của HTX để tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu Huyền