Các loại cây trồng như sầu riêng, dâu tằm, mít và măng cụt... những năm gần đây thường xuyên mang lại “trái ngọt” cho người dân Đạ Huoai.
“Trái ngọt” từ đầu tư đúng hướng
Đạ Huoai vốn được biết đến là vùng đất “thiên đường” của các loại trái cây nức tiếng thơm ngon ở Lâm Đồng như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm và mít. Tuy nhiên, huyện lại là địa phương có xuất phát điểm thấp, với số lượng bà con đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên như Mạ, K’Ho đông đảo, nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, giá trị sản xuất của người dân Đạ Huoai mới chỉ đạt 35,5 triệu đồng/ha.
Hiệu quả cao từ đầu tư KHKT vào sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần giảm nghèo (Ảnh: TL) |
Từ cuối năm 2015, triển khai Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, huyện Đạ Huoai đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển giao KHKT và tuyên truyền, vận động người dân tập trung chuyển đổi đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Tại các xã, thị trấn phía Bắc như Hà Lâm, Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Phước Lộc và thị trấn Đạ M’ri đã thực hiện một cuộc “cách mạng” đối với cây sầu riêng. Tại “thủ phủ” sầu riêng Hà Lâm, trên nền tảng có sẵn, nhiều hộ đầu tư vốn chuyển đổi các giống sầu riêng hạt hiệu quả thấp qua trồng các giống sầu riêng ghép như Đô Na, MongThong và Ri6. Cùng với đó, người dân chú trọng áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới tự động, hệ thống chăm sóc sầu riêng “3 trong 1” (tưới nước, bón phân và xịt thuốc tự động trên cùng một hệ thống). Người dân Hà Lâm cũng bắt đầu làm quen với các mô hình sản xuất sầu riêng an toàn theo hướng VietGAP, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trái sầu riêng.
“Đến nay, trên địa bàn xã Hà Lâm có khoảng 1.400ha sầu riêng đạt năng suất trung bình khoảng 13,8 tấn/ha, cao hơn 1,2 tấn/ha so với năng suất chung toàn huyện. Năm 2019, sản lượng sầu riêng của xã đạt gần 11.700 tấn, ước sản lượng vụ sầu riêng năm 2020 này cũng đạt được như vậy”, lãnh đạo UBND xã cho biết.
Hiện, toàn xã có khoảng 92% hộ dân trồng sầu riêng, với diện tích từ 0,5 - 3 ha/hộ. Hiệu quả từ cây sầu riêng đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, xã Hà Lâm không còn hộ nghèo; hộ khá, giàu chiếm khoảng 70%. Trong đó, hàng chục hộ dân có mức thu nhập từ 2 - 4 tỷ đồng/năm từ chính cây sầu riêng.
Người dân nhiều địa phương như thị trấn Đạ M’ri và các xã Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đạ Tồn, Đạ Oai... cũng ăn nên làm ra nhờ cây sầu riêng và các loại cây ăn trái khác như măng cụt, mít cùng cây chè trồng xen dưới tán điều…
Sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đạ Huoai đạt 11%/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 0,9%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số cũng chỉ còn 2,7%; thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm.
HTX dẫn dắt sản xuất sạch
Trên địa bàn huyện Đạ Huoai hiện có khoảng trên 2.700ha cây trồng các loại được người dân ứng dụng KHKT vào sản xuất, chiếm 18% tổng diện tích đất nông nghiệp. Đặc biệt, huyện đã hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất sầu riêng cho 225 hộ của 3 HTX và 6 tổ hợp tác với diện tích ứng dụng VietGAP đạt 315ha.
Khu vực kinh tế hợp tác tham gia tích cực vào việc gia tăng giá trị sản phẩm nông sản địa phương (Ảnh: TL) |
Theo đó, trên cơ sở hồ sơ đăng ký của người dân và thẩm định của các ngành chức năng, trong năm 2019, huyện Đạ Huoai hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng với 822.000 tem cho các HTX, tổ hợp tác và người dân trên địa bàn, trong đó có 772.000 tem gắn trái sầu riêng và 50.000 tem gắn bịch sầu riêng chế biến.
Huyện chủ trương tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thâm canh theo quy trình VietGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ; mục tiêu đến năm 2025 đạt tổng diện tích áp dụng KHKT thâm canh vào sản xuất khoảng trên 5.000ha, chiếm 37% diện tích đất nông nghiệp. Bên cạnh cây sầu riêng, huyện đang xúc tiến xây dựng nhãn hiệu Hạt điều Đạ Huoai; xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) đối với sản phẩm nông nghiệp có ưu thế của huyện.
Điển hình nhất trong phong trào phát triển sản xuất sạch với sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế hợp tác là xã Hà Lâm. “CLB làm vườn thu nhập cao” xã Hà Lâm thực sự trở thành “điểm sáng” trong nông nghiệp - nông dân – nông thôn của huyện Đạ Huoai.
Để nhân rộng, phát triển mô hình, thu hút khách du lịch nhằm quảng bá thương hiệu sầu riêng địa phương, tháng 8/2016, UBND xã Hà Lâm đã thành lập thêm 2 THT với 51 hội viên. Đến tháng 7/2017 thành lập HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn xã Hà Lâm.
Lúc thành lập, HTX có 17 thành viên, nay nâng lên 25 thành viên tham gia, tự góp vốn điều lệ gần 500 triệu đồng, bầu HĐQT, ban giám đốc. Đến nay, HTX đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm. HTX chú trọng chuyển giao KHKT giúp thành viên áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đối với sầu riêng - cây trồng chủ lực của địa phương. Nhờ HTX hoạt động có hiệu quả, giúp thành viên áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên. Chỉ hơn 2 năm đầu hoạt động, có 11/25 thành viên có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ lệ 44%. Một số hộ có thu nhập 2 - 3 tỷ đồng, thậm chí có hộ đạt thu nhập gần 4 tỷ đồng.
Trong danh sách hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi năm 2019 xã Hà Lâm có tới 369 hội viên, nghĩa là số hộ có mức thu nhập khá, giàu chiếm gần 40% tổng số hộ trong toàn xã.
Ngoài Câu lạc bộ tỷ phú, HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn và 2 THT hoạt động rất hiệu quả, năm 2020, tại 4 thôn của xã Hà Lâm đã thành lập mới 4 THT trồng sầu riêng và cây ăn quả, thu hút 90 hộ gia đình tham gia.
Đức Nguyễn