UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 3%; đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng ít nhất là 1,8 lần so với năm 2020 (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm). Theo đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX sẽ là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Đi lên từ Hội quán
Nói đến phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Tháp, người ta nghĩ ngay đến mô hình Hội quán. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 135 hội quán, với 7.000 thành viên. Các hội quán hoạt động trong lĩnh vực khác nhau và có 178 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chiếm 83,6% với trên 29.000 thành viên. Bà con nông dân rất sẵn sàng và tin tưởng tham gia các hội quán, là tiền đề quan trọng để hình thành các HTX. Đến nay, có 35 HTX nông nghiệp được thành lập từ 31 mô hình Hội quán.
Đến nay, có 35 HTX nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp được thành lập từ 31 mô hình Hội quán. |
Từ những kết quả rõ rệt từ mô hình hội quán, nhiều HTX, tổ hợp tác đã thành lập, thu hút hàng trăm lao động trên địa bàn. Đơn cử như HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, HTX được thành lập vào tháng 4/2018 trên nền tảng của Tổ hợp tác quýt đường với tiền thân là Hội Quán nông dân Đồng Tháp. Số thành viên hiện có 53 người và hộ liên kết là 100 hộ, số vốn góp 4 tỷ đồng với diện tích sản xuất là 100 ha.
Nhờ có những chính sách liên kết hiệu quả, có được đầu ra ổn định, đến nay HTX không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động mà tên tuổi của HTX đang ngày một khẳng định, là nhà cung cấp trái cây chuyên nghiệp vào các chuỗi siêu thị lớn. Hiện tại, trung bình mỗi năm HTX cung cấp khoảng từ 800-900 tấn trái cây các loại cho các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP Cao Lãnh) được thành lập trên nền tảng Đồng Tâm Hội quán và Thịnh Hưng Hội quán vào năm 2018. HTX này có 176 thành viên, vốn điều lệ gần 700 triệu đồng, tổng diện tích sản xuất xoài hơn 138ha (chủ yếu là xoài cát chu).
Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới cho biết, tham gia HTX, nhà vườn được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhiều diện tích xoài của HTX đã được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
HTX đã liên kết tiêu thụ với một số công ty, siêu thị được khoảng 500 tấn xoài, cung ứng các dịch vụ cho thành viên và nông dân gồm phân bón, thuốc BVTV, bao trái xoài, máy nông nghiệp. Bên cạnh đó, HTX còn vinh dự là HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu hàng chục tấn xoài đi các nước khó tính trên thế giới, đem lại giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thời gian qua, các HTX nông nghiệp từng bước chủ động mở rộng thêm dịch vụ để phục vụ thành viên; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Đặc biệt là việc vận động thành viên tham gia liên kết với doanh nghiệp nhằm cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân. HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả là nhân tố tích cực, tác động rất lớn đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao vai trò kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp bền vững
Theo UBND huyện Thanh Bình, toàn huyện hiện có 19 HTX nông nghiệp đang hoạt động với tổng số hơn 6.800 thành viên; 14 hội quán đang hoạt động với tổng số 537 thành viên. Đến nay, huyện Thanh Bình có tổng số 180 mã vùng trồng/77 vùng trồng, với diện tích hơn 5.000ha, trong đó có 7 HTX, 9 hội quán đăng ký mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.500ha và có 271ha được cấp chứng nhận VietGAP...
Nhiều mô hình HTX làm ăn có hiệu quả, giúp xoá đói giảm nghèo cho bà con tại địa phương. |
"Lớn lên" từ mô hình hội quán, Ban Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình, định hướng cho thành viên thực hiện canh tác lúa khoảng 600ha, trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn SRP trên diện tích 220ha với giống lúa OM18 và nếp Long An. Mô hình này giúp nông dân tăng năng suất trên cùng diện tích; cải thiện chất lượng nước, giảm khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động... Chính nhờ hoạt động và liên kết sản xuất có hiệu quả nên số lượng thành viên và diện tích sản xuất lúa của HTX ngày càng tăng.
Ngoài canh tác lúa, hiện tại, HTX còn thực hiện các loại hình dịch vụ như: bơm tưới; làm đất; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hoạt động tín dụng nội bộ; cắt gặt liên hợp; nước sinh hoạt nông thôn; cung ứng giống cây trồng; phơi sấy và tồn trữ.
Ông Mai Văn Đối, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình đánh giá: “Nhờ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện có bước phát triển khởi sắc. Qua đó giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập và đảm bảo ổn định đời sống cho thành viên và người lao động. Đồng thời vận động nhân dân tham gia cùng địa phương xây dựng các công trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình chính trị ở địa phương...”.
HTX mong được sớm tiếp cận với các chính sách hỗ trợ
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, khi tham gia vào tổ hợp tác, HTX, thành viên và người lao động được học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, sản xuất tập trung theo quy mô lớn, khép kín. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã, đồng nhất về chất lượng sản phẩm... Đây còn là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của HTX, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị.
Bên cạnh đó, việc cùng nhau thực hiện các hoạt động mua chung, bán chung vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp việc tiêu thụ nông sản của thành viên đạt hiệu quả cao hơn, giá bán sẽ ổn định hơn so với làm ăn riêng lẻ. Mặt khác, giúp doanh nghiệp dễ dàng thu mua được khối lượng nông sản lớn, đồng đều về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.
Nhờ đó, thời gian qua, các HTX ở Đồng Tháp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Qua đó, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội.
Để phát triển HTX trong thời gian tới, nhiều lãnh đạo HTX cho rằng, cần những hỗ trợ cụ thể; trong đó, HTX rất mong sớm được tiếp cận với những hỗ trợ từ Nhà nước về nguồn vốn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử… hay những chính sách ưu đãi về đất đai để các HTX có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao giá trị sản phẩm.
Hoàng Hà