Ngư Lộc được biết đến với nhiều cái nhất trong tỉnh: Xã có diện tích nhỏ nhất, dân số đông nhất, tỷ lệ đói nghèo cao nhất (42% là hộ nghèo ), tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất (2/3 là nữ). Tuy nhiên, vượt lên tất cả cùng với chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho những địa phương ven biển, Ngư Lộc đang có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao đời sống người dân.
Bám biển làm kinh tế
Là xã ven biển nên thế mạnh của người dân Ngư Lộc chính là khai thác và chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Nghề chế biến hải sản sở dĩ phát triển mạnh bởi xã có đội tàu khai thác đông đảo, thường xuyên bám biển. Toàn xã hiện có 353 phương tiện đánh bắt hải sản, thu hút 2.548 lao động...
Để nghề chế biến hải sản ở xã phát triển, địa phương đã hỗ trợ người dân thành lập HTX thủy sản Thành Tiến. HTX thường xuyên tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất và cơ sở kinh doanh về quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện thu mua, bao tiêu thủy sản… HTX cũng bỏ vốn, tiếp cận chính sách của Nhà nước để vay vốn phát triển các đội tàu.
Không chỉ HTX Thành Tiến, xã còn có đến 27 doanh nghiệp cũng đang thực hiện các dịch vụ như cấp đông, chế biến bột cá, hấp sấy hải sản với các sản phẩm chính, như: Moi khô, mực khô, cá khô, tôm khô, nước mắm...
Mỗi năm, các HTX, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ chế biến hải sản trên địa bàn xã có thu nhập hàng tỷ đồng từ nghề chế biến thủy hải sản. Ngành nghề này cũng tạo điều kiện cho hàng trăm lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.
Để bảo đảm cho chế biến thủy hải sản và sinh hoạt, nhu cầu sử dụng điện ở Ngư Lộc là rất lớn. Chính vì vậy, xã cũng đã giao nhiệm vụ cho HTX Điện Thành Tiến trong quản lý, vận hành lưới điện của địa phương.
Trước đây, lưới điện tại Ngư Lộc trong tình trạng xuống cấp, ít được đầu tư nên việc sản xuất, chế biến thủy sản của người dân gặp nhiều khó khăn do điện chập chờn, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Trước thực trạng trên, HTX Điện Thành Tiến đã huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống trạm biến áp, đường dây dẫn. Đồng thời, HTX thuê đất tại xã Hưng Lộc để xây dựng thêm 3 trạm biến áp, nâng số trạm biến áp của HTX lên 9 trạm, tổng công suất đạt 4.930 KVA, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho hơn 3.400 hộ dân trên địa bàn.
HTX thường xuyên đầu tư nâng cấp, cải tạo, thay mới toàn bộ hệ thống hơn 20km đường dây truyền tải, thay hơn 4.000 công tơ cũ sang công tơ điện tử, sử dụng phần mềm xuất hóa đơn điện tử... Nhờ đó, hiệu quả quản lý, kinh doanh được nâng lên, người dân cũng yên tâm trong sinh hoạt, sản xuất.
Hồi sinh vùng đất ven biển
Những dấu ấn trong chế biến thủy sản, phát triển dịch vụ đã giúp Ngư Lộc phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên. Ngư Lộc giờ đây không còn những ngôi nhà lụp xụp, yếu ớt trước mưa gió và bão lũ hay những con đường đất trơn trượt. Thay vào đó là những ngôi nhà mới kiên cố, nằm san sát nhau và được coi là khang trang hơn hẳn những xã lân cận. Những con đường cũng được bê tông hóa, thuận tiện cho đi lại và phát triển sản xuất kinh doanh.
Để có được sự đổi thay đó, phần lớn là nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân nghèo miền biển. Bởi, người Ngư Lộc vốn cần cù, chịu thương, chịu khó nhưng không có đất canh tác nông nghiệp nên nghề biển là nghề chính của người dân nơi đây. Trong khi để theo được nghề biển thì cần có nhiều yếu tố hỗ trợ đi kèm như nguồn vốn, cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề… Tuy nhiên, khi được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Ngư Lộc đã có nền tảng để hỗ trợ người dân đầu tư phát triển kinh tế, dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Mua bán thủy hải sản diễn ra tấp nập tại Ngư Lộc giúp người dân nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. |
Đặc biệt, để phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua, Ngư Lộc đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản. Xã tạo điều kiện hết mức cho các hộ dân có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, thời gian dài để sản xuất, kinh doanh, đóng tàu lớn đi biển dài ngày. Ngoài tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng, người dân còn được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế tại Quỹ tín dụng nhân dân Ngư Lộc. Quỹ tín dụng nhân dân này cũng chủ động bám sát các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để có hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho người dân.
Hiện, mức thu nhập bình quân đầu người của Ngư Lộc là 45 triệu đồng/người/năm; lao động đi biển đạt mức 8 - 9 triệu đồng/người mỗi tháng. Dù còn nhiều vất vả nhưng đây được coi là mức thu nhập khá cao so với những năm trước và tạo động lực để các lao động phần nào yên tâm bám biển. Tỷ lệ hộ nghèo trong năm qua của xã cũng giảm, chỉ còn 4,5% và 8,5% hộ cận nghèo.
Ngoài hơn 2.000 lao động trực tiếp trên biển, hàng nghìn lao động tại địa phương cũng có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ngư trường quen thuộc là Vịnh Bắc Bộ, nhiều tàu lớn của ngư dân trong xã và thành viên HTX được đóng mới với trang bị hiện đại đã ra tận Hoàng Sa, Trường Sa... đánh bắt.
Anh Nguyễn Văn Sơn, người dân xã Ngư Lộc cho biết, giờ ở làng biển chẳng thiếu thứ gì, điện nước đầy đủ, có cơ sở thu mua hải sản, chế biến nước mắm, các hàng quán buôn bán tạp hóa, thương lái xuống tận mép nước thu mua nên đời sống thuận lợi hơn.
Khó đầu tư hiện đại do thiếu đất
Dù có nhiều lợi thế và đạt được những bước tiến trong giảm nghèo, nâng cao đời sống nhưng hiện nay, nghề chế biến hải sản trên địa bàn xã Ngư Lộc đang gặp không ít khó khăn.
Hầu hết các cơ sở chế biến thủy hải sản vẫn còn sản xuất theo hướng thủ công, sản phẩm chế biến đơn giản và phơi khô là chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ và công nghệ, thiết bị lạc hậu.
Điều này một phần là do Ngư Lộc là xã bãi ngang ven biển nên không có quỹ đất để các cơ sở chế biến mở rộng sản xuất. Diện tích nhà ở cho người dân cũng hạn hẹp khi tỷ lệ dân số cao. Hiện, dân số của xã xấp xỉ 18.000 người nhưng diện tích đất ở chỉ vỏn vẹn 0,47km2. Như vậy, mật độ dân số của xã là trên 36.000 người/km2, cao hơn đến 15 lần so với mật độ dân số ở Hà Nội và khoảng 8 lần so với TP HCM.
Chính vì vậy mà các cơ sở chế biến dù hàng ngày thu mua lượng lớn thủy sản nhưng có diện tích sản xuất nhỏ hẹp. Một số cơ sở chế biến tạm bợ ngay trên mặt đê, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và cũng khó có thể đầu tư công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị hải sản của địa phương.
Để giúp người dân tiếp tục giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, Ngư Lộc đang tích cực đề nghị và được huyện, tỉnh quan tâm đến phương án lấn biển nhằm tăng diện tích đất ở và có khả năng đầu tư, xây dựng khu chế biến. Qua đó tăng được lợi nhuận từ biển cho bà con trong tương lai.
Hy vọng rằng, trong tương lai gần, Ngư Lộc sẽ khắc phục được những khó khăn và nghề chế biến hải sản ở xã ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân, giúp họ cải thiện đời sống, tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Minh Nhương