Trên lộ trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP, hữu cơ đang là một trong những điểm nhấn nổi bật của M’Đrắk (Đắk Lắk). Chỉ trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã có hàng chục mô hình trồng cây ăn trái tập trung, với sự chủ động, tích cực của các HTX.
Sản xuất xanh, giá trị tăng
Trước đây, gia đình ông Huỳnh Tiến Thạch (xã Ea Pil) triển khai mô hình trồng mía truyền thống và các loại hoa màu trên diện tích gần 1,7 ha, tuy nhiên do đất đai bạc màu, giá cả thị trường bấp bênh khiến giá trị kinh tế mang lại không cao, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn.
Sau thời gian dài sản xuất không hiệu quả, năm 2017, ông Thạch đã chủ động liên kết với một số hộ dân địa phương thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp Ea Pil, chuyển đổi mô hình cũ sang trồng cây ăn trái theo hướng chất lượng cao.
Với nền tảng vững vàng từ Tổ hợp tác, gia đình ông Thạch chuyển toàn bộ diện tích canh tác mía và hoa màu sang trồng trên 1.000 cây ăn trái các loại, với cây chủ lực là nhãn Hương Chi. Năm 2019, vùng trồng nhãn 200 cây của gia đình ông Thạch bắt đầu cho thu hoạch, đến nay đã trải qua 4 vụ bội thu.
Sản xuất sạch giúp nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững |
“Nhờ chú trọng sản xuất sạch, vườn nhãn phát triển tốt, năng suất tăng trên dưới 15%, sản phẩm được đánh giá rất cao nên giá bán ổn định. Kết quả, giá trị canh tác của thành viên HTX hiện đều đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm. Đời sống được nâng lên đáng kể”, ông Thạch nói.
Cũng “đổi đời” nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình cũ sang trồng cây ăn trái theo hướng an toàn sinh thái, gia đình ông Nguyễn Hữu Hòa (xã Cư Prao) hiện đang có khoảng 1.000 gốc nhãn Hương Chi, sản lượng khoảng 25 tấn/năm, thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí.
Có thể thấy, “cuộc cách mạng xanh” trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây ăn trái đang giúp đời sống sản xuất của người dân huyện M’Đrắk ngày càng khởi sắc. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT, đến nay toàn huyện có trên 1.188 ha cây ăn trái các loại (tăng 961 ha so với năm 2015).
Bước đầu trên địa bàn huyện M’Đrắk đã hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung tại các xã như Ea Pil có 443 ha nhãn và 115 ha vải, Cư Prao có 104 ha nhãn, 45 ha vải, các xã Ea Riêng, Ea Lai, Ea H’Mlay có khoảng 130 ha trồng sầu riêng, bơ…
Thúc đẩy nông nghiệp sinh thái
Nếu ở M’Đrắk có mô hình trồng cây ăn trái VietGAP, thì ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, mô hình nông nghiệp sinh thái cũng đang trở thành “đòn bẩy” trong xóa đỏi giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Địa bàn rộng, dàn trải đã giúp cho Sìn Hồ có các tiểu vùng khí hậu đặc trưng, tương ứng với các loại sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Đặc biệt, các xã vùng cao Sìn Hồ đang trở thành “miền đất hứa” với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Không dừng lại ở việc sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhiều người dân trên địa bàn huyện còn liên kết với nhau thành lập HTX, tổ hợp tác để cùng nhau mở rộng diện tích, phát triển theo hướng an toàn sinh thái, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tiêu biểu có thể kể đến HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ ra đời lấy mục tiêu trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái tại xã Sà Dề Phìn, làm nền tảng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.
Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có bước phát triển ổn định. Hiện, các thành viên của HTX đều có nguồn thu ổn định 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể nhiều lao động làm công nhật với các công việc khác nhau như vận chuyển, thu hái, chăm sóc… cũng có nguồn thu nhập khá cao.
Nếu các xã vùng cao có thế mạnh trồng rừng và dược liệu, thì các xã vùng thấp của Sìn Hồ lại tạo sự đối lập về khí hậu, thổ nhưỡng và cảnh sắc. Nơi đây nổi tiếng các cây trồng nhiệt đới như chuối, mít, xoài, nhãn và đặc biệt là cao su.
Các cây trồng thế mạnh ở vùng thấp cũng được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ phát triển theo hướng an toàn sinh thái, tích cực ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, mang lại giá trị kép về kinh tế, môi trường.
Hiện, hơn 400ha cây ăn quả nhiệt đới xoài, mít, na, bưởi, cam trồng tại các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ đang sinh trưởng, phát triển tốt, được địa phương ký kết với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị sản phẩm. Dự kiến, các vùng trồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, trở thành động lực thoát nghèo, làm giàu cho nông dân.
Có thể thấy, “cách mạng xanh” là một trong những yếu tố chính tạo bước đột phá, giúp các địa phương hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo sản phẩm nông nghiệp chủ lực, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng.
Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục kiên định với mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, cần tăng cường hỗ trợ, phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp trong hình thành chuỗi giá trị, xây dựng lộ trình giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.
Yến Chi