Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 2 nhiệm vụ liên quan đến ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Những hỗ trợ chưa từng có tiền lệ
Cụ thể: Tại nhóm nhiệm vụ hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, HTX, hộ kinh doanh, Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ BHXH ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động (NLĐ), DN, HTX, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác, hoàn thành trong tháng 9/2021; nghiên cứu, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp BHXH phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định, hoàn thành trong tháng 9/2021.
BHXH Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã cắt giảm chi phí liên quan tới lĩnh vực này. |
Cùng với đó, tại nhóm nhiệm vụ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát, sửa đổi các quy định về bảo hiểm y tế (BHYT) theo hướng cho phép BHYT được thanh toán các hoạt động khám chữa bệnh từ xa có thu phí, trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9/2021.
Để triển khai các nhiệm vụ trên, BHXH Việt Nam cho biết đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, các đơn vị đã báo cáo, thảo luận những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ thuộc trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc ngành cũng cho rằng, các quy định liên quan đến chính sách BHXH, BHYT được nêu tại Nghị quyết số 105 là chưa từng có tiền lệ, do đó để thực hiện được, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng.
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các đơn vị trong ngành BHXH Việt Nam sẵn sàng chủ động triển khai và thực hiện hỗ trợ DN, HTX và NLĐ ngay khi có Nghị quyết của Chính phủ cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
BHXH Việt Nam chủ động vào cuộc
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh, ngành BHXH Việt Nam luôn sẵn sàng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN và NLĐ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đơn cử như, tại Nghị quyết số 68, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị liên quan triển khai thực hiện sớm nhất, hoàn thành việc hỗ trợ nhanh nhất.
Với nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 105, ngành BHXH Việt Nam cũng chủ động tham mưu, đề xuất và sẽ triển khai thực hiện ngay sau khi Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý, việc triển khai thực hiện phải đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, đúng DN, HTX bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và phải đảm bảo bình đẳng giữa những đơn vị trong cùng địa bàn.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 6/9/2021, cả nước có 14.844.857 người tham gia BHXH (đạt 29,82% lực lượng lao động) và đạt 83,89% kế hoạch BHXH Việt Nam. Trong đó, BHXH bắt buộc có 13.662.083 người tham gia; BHXH tự nguyện có 1.182.774 người tham gia và BHYT có 85.243.768 người tham gia, đạt 87,33% dân số tham gia BHYT.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều DN lao đao, tỷ lệ NLĐ thất nghiệp gia tăng, thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận NLĐ thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế xã hội đất nước.
Riêng trong tháng 8/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho 61.914 người hưởng BHTN, trong đó có 61.215 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 699 người hưởng chế độ học nghề. Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước đã giải quyết cho 483.411 người hưởng BHTN. Ngoài ra, cơ quan BHXH đã chi cho hơn 7,2 triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT.
Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH Thừa Thiên-Huế đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện các công việc liên quan.
"Với tinh thần chủ động, kịp thời để đạt được mục tiêu cao nhất là đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN nên việc triển khai đảm bảo trong thời gian nhanh nhất, tạo thuận lợi tối đa nhất cho người sử dụng lao động và NLĐ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", ông Tiếu khẳng định.
Theo đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa phương này đã quán triệt công chức, viên chức, NLĐ tuân thủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với đơn vị sử dụng lao động và NLĐ. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cần tập trung ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
"Việc áp dụng công nghệ thông tin đã kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đến với NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch một cách thuận lợi, đơn giản nhất", ông Tiếu cho biết.
Thy Lê