Thời gian qua, huyện Gia Lộc đã liên tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất phương án hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn phát triển, góp phần tạo phúc lợi, gia tăng thu nhập cho người lao động.
HTX phát huy hiệu quả
Một trong những điểm sáng lớn nhất trong quá trình thúc đẩy công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Gia Lộc là HTX Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn.
HTX hiện có 174 thành viên, là HTX tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. HTX xây dựng được 120.000 m2 nhà màng để sản xuất dưa chuột, dưa lưới, cùng các loại rau củ khác. HTX còn là đầu mối bao tiêu nông sản cho nông dân. Mỗi năm HTX thu lãi gần 2 tỷ đồng.
Với quy mô diện tích lớn, sản xuất chuyên canh rau màu theo hướng công nghệ cao nên hàng năm HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 thành viên, lương trung bình là 7,5 triệu đồng/tháng và dùng 100% nguyên liệu tại địa phương.
Hiệu quả của các HTX đang là một trong những "ngòi nổ" trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương. |
Không chỉ ở Gia Lộc, những năm qua, Hải Dương đã chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển. Điển hình, tỉnh đang tạo điều kiện để hình thành vùng vệ tinh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch với các cơ sở, doanh nghiệp, trong đó lấy liên kết với VinGroup, Big C làm nòng cốt.
Thông qua xây dựng chuỗi giá trị, HTX cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên với giá thấp, đảm bảo đầu ra với giá bán cao, giảm bớt các khâu trung gian.
Kết quả, đến nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sản xuất theo theo tiêu chuẩn VietGAP, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Không ít chuỗi liên kết giá trị gia tăng cao giữa HTX và doanh nghiệp được hình thành.
Hình thức và nội dung liên kết giữa HTX và doanh nghiệp khá đa dạng, từ cung ứng vật tư, cây giống, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, đến liên kết tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên, hộ nông dân…
Qua đó, hình thành hàng loạt HTX điểm như HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng), HTX nông nghiệp sạch Nam Vũ (Thanh Hà), HTX An Thanh (Tứ Kỳ), HTX nông nghiệp xanh V-Phúc (Kim Thành), HTX Quốc Tuấn, Đồng Lạc (Nam Sách), HTX Ngũ Hùng (Thanh Miện), HTX Tân Minh Đức (Gia Lộc)…
Tạo đột phá tăng tốc nông thôn mới
Sự hình thành và hoạt động hiệu quả của các HTX chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp tỉnh Hải Dương thúc đẩy nông nghiệp hiện đại, nông dân đổi mới và tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới những năm qua.
Cụ thể, các HTX góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất.
Hải Dương hiện có 526 HTX, trong đó có 303 HTX dịch vụ nông nghiệp, 19 HTX chăn nuôi, 17 HTX thủy sản, 29 HTX dịch vụ tổng hợp; 149 HTX phi nông nghiệp với 71 quỹ tín dụng, 15 HTX thương mại - dịch vụ, 10 HTX dịch vụ điện, 9 HTX nước sạch và vệ sinh - môi trường, 12 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 17 HTX giao thông vận tải, 5 HTX xây dựng, 10 HTX thuộc các lĩnh vực khác.
Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất theo đó được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác. Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực, hiện toàn tỉnh đã có 234 sản phẩm OCOP được chứng nhận, dự kiến đến năm 2025 có thêm 250-300 sản phẩm được công nhận.
Kết quả, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện các chương trình, bộ mặt nông thôn trên toàn tỉnh đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Đến nay, 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 43/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đang có, tỉnh Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (dự kiến 107 xã); 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (dự kiến 36 xã); 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt ít nhất từ 76 - 80 triệu đồng/người/năm. Và để làm được điều này không thể thiếu sự đóng góp của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững, thu nhập của người dân chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế; HTX, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chưa nhiều; các chỉ tiêu về sản xuất, môi trường chưa đáp ứng kỳ vọng...
Dù còn không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống, các tầng lớp nhân dân, tỉnh Hải Dương có nhiều cơ sở để tự tin hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, từ đó tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Mỹ Chí