Đến làng dân tộc Châu Ro thôn 4 xã Trà Tân hôm nay thấy đời sống của đồng bào thiểu số phát triển đáng kể. Ngày càng có nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên, bộ mặt thôn làng ngày một đổi mới.
Biết cách làm ăn
Không chỉ có ý thức vươn lên "xóa cái đói, giảm cái nghèo", ở ngôi làng này, nhờ học nghề nông thôn mà nhiều hộ đồng bào dân tộc ở đây “biết cách làm ăn”, vươn lên thành những hộ khá, giàu ở địa phương.
Điển hình như ông Thổ Minh Tập, một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Đi lên từ một nông dân nghèo, nhờ chịu khó học hỏi các cách làm kinh tế mà đến nay ông đã sở hữu hơn 10 hecta cao su, điều, tiêu và hơn 2 hecta ruộng màu mỡ.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc ở huyện Đức Linh nhờ “biết cách làm ăn” đã nâng cao đời sống (ảnh:TL) |
Với cơ ngơi này, trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về trên dưới 500 triệu đồng. Nhờ kinh tế khá giả mà các con của ông được ăn học thành tài và có cuộc sống ổn định.
Là huyện miền núi nằm về phía Tây Nam của tỉnh Bình Thuận với khoảng 1.071 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở các xã Mê Pu, Đức Tín, Trà Tân, thời gian qua huyện Đức Linh đã có nhiều chính sách về đào tạo nghề cho họ.
Thông qua chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhiều lao động là dân tộc thiểu số có công ăn việc làm, thu nhập cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đào tạo nghề và tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi, giúp tỷ lệ thất nghiệp ngày một giảm. Các ngành nghề được chọn để dạy và học được khảo sát kỹ theo nhu cầu của người học nghề, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Huyện cũng mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cũng như ký hợp đồng đào tạo nghề giữa cơ sở dạy nghề với UBND cấp xã, nhằm đảm bảo cho người học nghề sau khi học xong có việc làm ngay.
Hơn thế nữa, huyện Đức Linh đã và đang chú trọng xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình với doanh nghiệp. Điển hình như mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa nếp giữa HTX Nông nghiệp Công Thành Đức Linh - xã Đức Chính với nông dân các xã Nam Chính, Đức Chính gắn với bao tiêu sản phẩm lúa và nếp.
Nâng thu nhập, giảm hộ nghèo
Hiện nay, bình quân trên 1 ha lúa nếp năng suất đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, giá thu mua 5.400 đồng/kg. Nông dân sản xuất 1 ha lúa nếp cao hơn lúa hạt tròn trên 5 triệu đồng. Lợi ích từ mô hình mang lại, nên nhiều hộ dân đã tham gia với diện tích hàng năm thực hiện trên 1.000 ha đã phần nào tạo được sự ổn định đầu ra của người dân.
“Nhờ mô hình liên kết sản xuất lúa nếp giữa nhà nông và HTX Công Thành trên địa bàn đã mang lại thu nhập cao cho gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Bình quân 1ha lúa nếp, tôi có lãi từ 12 – 15 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình tôi ổn định, không còn chật vật như trước”, anh Võ Văn Đăng, xã Nam Chính, huyện Đức Linh phấn khởi chia sẻ.
Ngoài ra, còn có thể kể đến các mô hình chuỗi liên kết sản xuất giống rau giữa Công ty ViNo với nông dân các xã Đức Tín, Mê Pu, Đa Kai; chuỗi liên kết trồng bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Đông Hà với các đơn vị tiêu thụ…
Mô hình liên kết sản xuất lúa nếp giữa nhà nông và HTX ở Đức Linh (ảnh:TL) |
Nhờ vào đó, thu nhập bình quân đầu người trong huyện tăng qua từng năm, năm 2019 đạt bình quân 39,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,23% năm 2011 còn 1,95% năm 2019.
Ngoài ra, huyện cũng tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông triển khai thực hiện mô hình trồng mới cây điều ghép cao sản 10 ha ở Đức Hạnh, mô hình nuôi cá chép giòn, trồng măng tây ở Tân Hà, mô hình canh tác lúa ở Nam Chính… từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh, huyện có hơn 20 HTX và nhiều nhóm, tổ sản xuất hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các HTX và Tổ hợp tác đã tạo ra mối liên kết chuỗi trong sản xuất cây, con giống giúp người dân có sản xuất cùng tham gia hợp tác theo chuỗi.
Thanh Loan