Sinh ra và lớn lên ở xã Đông An cả tuổi thơ gắn liền với những hàng quế, những vườn đồi cây trái xanh mướt trải dài vô tận, chính vì thế cây quế luôn hiện hữu và ăn sâu vào trong tiềm thức của chàng trai trẻ Ngô Thành Hưng.
Khát vọng làm giàu từ "đặc sản"
Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, từ năm 2012-2016, Hưng được gia đình tạo điều kiện cho đi tu nghiệp ở Singapore về nghiệp vụ quản lý khách sạn. Tốt nghiệp trở về, thấy bố mẹ và những người thân yêu trong gia đình luôn nặng lòng với cây quế và các loại cây ăn quả với hàng trăm ha vất vả tối ngày nhưng giá trị đem lại chưa thực sự tương xứng, Hưng quyết định đầu tư vào sản xuất tinh dầu quế.
Giám đốc HTX Đông Yến Ngô Thành Hưng cho biết, thời gian tới sẽ sản xuất theo chuỗi giá trị, tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động. |
Trong quá trình hoạt động sản xuất, Hưng nhận thấy việc trồng quế theo mô hình hộ gia đình và tự phát như trước đây ít mang lại hiệu quả kinh tế, bởi việc tìm đầu ra cho sản phẩm thường gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh. Với điều kiện thực tế tại địa phương, việc phát triển mô hình HTX sẽ có hiệu quả hơn, các thành viên vừa có thể hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, vừa có nhiều cơ hội tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ ý tưởng đến hành động, được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, trên cơ sở vườn đồi có sẵn của gia đình, tháng 5/2019, HTX Đông Yến do Ngô Thành Hưng làm Giám đốc chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với 17 thành viên.
Từ một cử nhân được đào tạo chuyên ngành về nghiệp vụ quản lý khách sạn chuyển sang làm sản xuất nông nghiệp, chế biến tinh dầu quế, Hưng cho biết ban đầu cũng gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, do gắn bó với cây quế từ nhỏ và với khát vọng sẽ góp sức để nâng cao giá trị từ cây quế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, Hưng đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, từ trên Internet nên những bỡ ngỡ ban đầu cũng dần qua đi. Hưng còn dành thời gian đến các địa phương tìm hiểu, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế.
“Sau một thời gian tìm kiếm thị trường tiêu thụ, sản phẩm tinh dầu quế của HTX được chiết xuất theo nhu cầu và đơn đặt hàng của một doanh nghiệp đối tác đến từ tỉnh Lạng Sơn”, anh Hưng chia sẻ.
Không ngừng hiện thực hóa ước mơ
Sau khi tìm được thị trường tiêu thụ ổn định cho tinh dầu quế, năm 2019, được sự hỗ trợ của Đoàn xã Đông An, Hưng tham gia Cuộc thi thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức với Dự án "Nông nghiệp xanh gắn với chuỗi giá trị” và đã xuất sắc đoạt giải Nhì.
Dự án được triển khai từ tháng 8/2019 trên cơ sở các loại cây ăn quả như bưởi, cam, chanh, lê, mận… có sẵn của gia đình và các thành viên với diện tích trên 100 ha, nay được triển khai theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp với chế biến sâu và du lịch homestay giúp thành viên HTX Đông Yến nâng cao thu nhập. |
Giai đoạn 2 của dự án là mở rộng, kết nạp người dân quanh vùng vào HTX để liên kết sản xuất. Giai đoạn 3, dự án sẽ mở chuỗi cửa hàng, siêu thị mini chuyên phân phối các sản phẩm của HTX. Và tới giai đoạn cuối cùng là xây dựng các tour du lịch phượt và homestay, tham quan vườn cây ăn quả.
Trao đổi với phóng viên VnBusiness, Hưng cho biết, diện tích 100 ha cây trồng trên cơ sở vườn đồi của gia đình có sẵn gồm bưởi, cam, lê, mận mới cho thu hoạch được hơn 3 năm nay. Vì vườn cây mới bói nên sản lượng chưa nhiều. Năm 2020, vườn cây cho tổng thu được gần 1 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, HTX đang thu hoạch 15ha chanh, dự kiến khoảng 20 tấn, giá 5.000/kg. Sắp tới, HTX tiếp tục thu hoạch cam và bưởi.
“Năm 2021 này do tình hình thời tiết ở địa phương bất ổn, thêm vào đó là ruồi, ong nhiều hay trích vào cây ăn quả nên trồng cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP bị ảnh hưởng đến sản lượng, mẫu mã. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trên cả nước khiến sản phẩm tiêu thụ khó, giá cả không như mong đợi nên thu nhập khó đạt mục tiêu 2 tỷ đồng đặt ra”, Hưng nói.
Khó khăn là vậy nhưng không làm nản lòng người trẻ có ý chí và khát vọng vươn lên khởi nghiệp làm giàu. Để hiện thực hóa tiếp ước mơ, Hưng đang triển khai "Dự án chế biến hoa quả tươi sấy sử dụng công nghệ sấy lạnh” với tổng nguồn vốn hoạt động trên 4,2 tỷ đồng.
Hiện, Hưng và các thành viên HTX đang lập đề án, tìm hiểu nhà cung cấp trang thiết bị, máy móc, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Theo đó, các thành viên HTX sẽ đồng lòng chung tay góp vốn và vay vốn từ các ngân hàng để triển khai. Khi đi vào hoạt động, toàn bộ sản lượng cam, bưởi, lê, mận… ở địa phương mà người dân trồng sẽ được HTX thu mua, chế biến với giá cả ổn định.
"Có thể quyết định khởi nghiệp tại quê hương là táo bạo nhưng tôi lại thấy rất hứng thú. Càng khó tôi lại càng quyết tâm với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Mục tiêu là giải quyết đầu ra cho các sản phẩm hoa quả trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, từng bước hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương”, Hưng nói.
Phạm Duy