Sản phẩm của nhiều tổ hợp tác, HTX không chỉ được người tiêu dùng tín nhiệm, mà còn được đánh giá cao trong các cuộc bình chọn thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
Ghi dấu ấn từ nhiều tiêu chí
Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kon Tum vừa đánh giá, chấm điểm bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Theo đó, có 12 sản phẩm của 9 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Tô và TP Kon Tum đăng ký tham gia bình chọn.
![]() |
Việc hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận là cơ sở để HTX nâng cao được chất lượng, giá trị và uy tín sản phẩm (Ảnh: TL) |
Đặc biệt, các HTX đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc bình chọn năm nay, với các sản phẩm: Cà phê tinh (Tinh COFFEE) của HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, Cà phê nhân của HTX Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô (huyện Đăk Hà), Cao hồng Đảng sâm, Trà sâm và Tinh dầu tiêu rừng của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thương mại Trường Tiến Măng Đen (huyện Kon Plông), Cà phê rang xay của HTX Dược liệu Hữu cơ Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông), Cà phê sạch nguyên chất Rạng Đông của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Rạng Đông (huyện Đăk Tô).
Hội đồng bình chọn đánh giá sản phẩm dựa theo các tiêu chí như: Đáp ứng thị trường; khả năng phát triển sản xuất; tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường; văn hoá, thẩm mỹ... Kết quả chấm điểm cho thấy cả 12 sản phẩm tham gia bình chọn đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề ra và đủ điều kiện để đề nghị UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Kon Tum.
Sau khi được công nhận, các sản phẩm này sẽ được hưởng một số quyền lợi như: In logo của chương trình lên sản phẩm bao bì, ưu tiên xét chọn hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương và quốc gia; tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa cơ sở sản xuất với các nhà phân phối trên cả nước để tìm kiếm hợp đồng, ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh...
Vươn xa thị trường bằng chất lượng
Kon Tum hiện có 112 HTX, tỉnh đã và đang xây dựng mô hình HTX kiểu mới, chủ động liên kết với các hộ nông dân, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, giúp đẩy mạnh sản xuất và xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và nông dân.
![]() |
HTX được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ cao trong chế biến và bảo quản sản phẩm (Ảnh: TL) |
Điển hình trong các HTX kiểu mới này là HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà). Theo đó, để hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận, HTX đã liên kết thu mua sản phẩm cà phê từ 2 cơ sở đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. HTX cũng đã đầu tư xây dựng quy trình sản xuất, chế biến cà phê hạt rang, cà phê bột, tinh cà phê và các sản phẩm từ tinh cà phê đạt tiêu chuẩn Việt Nam 5603: 2008 HACCP về an toàn vệ sinh thực phẩm, và sản phẩm cà phê tinh trong đợt bình chọn năm nay đã đủ điều kiện để đề nghị UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Kon Tum.
Việc hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận là cơ sở để HTX nâng cao được chất lượng, giá trị và uy tín sản phẩm. Với việc sản phẩm được cấp chứng nhận HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) tạo điều kiện rất thuận lợi cho HTX trong việc bán hàng, xúc tiến thương mại và đưa sản phẩm vào những thị trường khó tính.
Cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề ra của cuộc bình chọn và đủ điều kiện để đề nghị UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Kon Tum năm 2020 là HTX Dược liệu Hữu cơ Tu Mơ Rông (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông) với sản phẩm Cà phê rang xay. Hiện nay, HTX sản xuất các mặt hàng đặc sản núi rừng như cà phê 100% tự nhiên, táo mèo khô, hạt tiêu, đặc biệt là các loại sâm, cam kết sản xuất theo quy trình hữu cơ.
Ông Nguyễn Tiến Thuật – Giám đốc HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho biết: Năm 2019, HTX được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ cao trong chế biến và bảo quản sản phẩm cây dược liệu theo chương trình khuyến công địa phương với trị giá 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã giới thiệu HTX tham gia mô hình phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì thực hiện.
Cuối năm 2019 vừa qua, Trung tâm Khoa học công nghệ thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao máy sấy lạnh tách ẩm tự động trị giá 220 triệu đồng cho HTX, trong đó Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 150 triệu đồng, HTX đối ứng 70 triệu đồng.
Đây là chương trình hỗ trợ HTX phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam. Thông qua chương trình hỗ trợ giúp cho HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông có điều kiện để đi sâu vào chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng các sản phẩm dược liệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đức Nguyễn