Lâm Đồng là địa phương đứng thứ hai Việt Nam về diện tích cà phê với trên 150.000ha. Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác cà phê tại tỉnh Tây Nguyên này còn rất nhiều yếu tố phải cải thiện, đặc biệt việc canh tác cà phê đã khiến sinh thái bị ô nhiễm, nguồn nước bị sử dụng thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn tài nguyên quý giá. Làm sao để có một nông thôn với vùng cà phê năng suất chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo môi trường bền vững, thậm chí trở thành những sinh cảnh đẹp, phục vụ du lịch là câu hỏi rất nhiều người, nhiều tổ chức chia sẻ.
Hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường
Ts. Phạm Công Trí, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, canh tác cảnh quan cà phê là quá trình hoàn thiện, cải tiến và thúc đẩy tiểu hệ sinh cảnh cà phê tiệm cận hệ sinh thái rừng với 5 thành tố trụ cột (3 sinh vật và 2 phi sinh vật) hiệu quả, bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Canh tác cảnh quan cà phê mang lại hiệu quả, bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường (Ảnh: Internet) |
Tầng cây gỗ vượt tán, nắm giữ vai trò dẫn dắt hệ sinh thái, thường là các cây ăn quả lâu năm, choái sống hồ tiêu... Tầng tạo tán quần thể, giữa vai trò quyết định đặc tính hệ sinh thái, là cây trồng nền ở đây là cà phê vối kinh doanh. Cây thảm phủ mặt đất, giữ vai trò cải thiện ở hệ sinh thái, là cỏ bản địa, cây phân xanh, cây trồng thân thảo…
Các công trình bảo tồn, giữa vai trò bảo tồn đất và nước, là các mương và gờ cản nước, hang rào cây xanh… Đai xanh cách ly hóa chất, là các cây đa dụng phù hợp.
Cụm cảnh quan cà phê bền vững là các chuỗi sản xuất tạo thành mạng lưới các mô hình vườn cà phê đa canh lấy cà phê làm cây trồng chủ đạo, phối hợp theo không gian và thời gian với các loại cây trồng xen canh bao gồm: cây cà phê; cây thân gỗ che bóng tầng cao như hồ tiêu, vú sữa, sầu riêng, bơ, mít…; cây đai rừng là muồng đen, dầu rái, gòn, núc nác…; đai cách ly thực vật là chuối, dừa cau...
Mô hình cụm cảnh quan cà phê được xây dựng để tạo ra hình mẫu về hỗ trợ người sản xuất cà phê liên kết nhau bằng tổ chức nông dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tác động tiêu cực của thị trường bằng cách duy trì, phát triển hệ thống nông lâm kết hợp trên vườn cà phê bền vững, với sự tương hỗ của các loại cây trồng có lợi thế khác trong sinh cảnh thuận tự nhiên.
Cụ thể là duy trì và sắp xếp tối ưu cách thức sử dụng đất trên vùng trồng cà phê bằng nhiều loại cây trồng khác nhau, nhằm đem đến hiệu quả kinh tế, xã hội tốt nhất; cải thiện và bảo tồn tài nguyên và môi trường.
Đại diện Công ty LDC, một công ty chuyên về giải pháp nông nghiệp đã vạch ra một hướng mở khi giới thiệu Dự án phát triển mô hình cảnh quan cà phê và tăng cường năng lực giảm xói mòn đất, duy trì nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Qua khảo sát, Dự án cho thấy 74% diện tích cà phê ở Di Linh và Bảo Lâm không có cây che bóng, đất trồng cà phê dốc từ 7-35% và thiếu độ che phủ. Lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao, không phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất cà phê UTZ, mất độ che phủ, xói mòn là những vấn nạn đe dọa vùng cà phê Lâm Đồng.
Mô hình cụm cảnh quan cà phê được xây dựng để tạo ra hình mẫu về hỗ trợ người sản xuất cà phê liên kết nhau bằng tổ chức nông dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tác động tiêu cực của thị trường bằng cách duy trì, phát triển hệ thống nông lâm kết hợp trên vườn cà phê bền vững, với sự tương hỗ của các loại cây trồng có lợi thế khác trong sinh cảnh thuận tự nhiên. |
Theo đó, dự án sẽ phát triển 30 điểm mô hình về nông lâm kết hợp – tưới nước tiết kiệm và các giải pháp bảo tồn nước. Vườn tham gia mô hình sẽ được thiết kế kết hợp nông - lâm - nước tưới và có thể cả tái canh. Với mức hỗ trợ tổng hợp trên 50% cho các hạng mục, những nông hộ tham gia sẽ được huấn luyện cẩn thận, làm “điểm” với mục tiêu nhân rộng ra toàn vùng.
Tạo sinh cảnh đẹp với vườn cà phê
Sau thời gian tham gia Dự án “Hợp tác phát triển vùng cảnh quan cà phê bền vững”, người dân các thôn ở xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đang từng bước thay đổi tư duy, cách nhìn của mình đối với loại cây trồng truyền thống này. Theo đó, xây dựng vùng cảnh quan cà phê bền vững không chỉ là lựa chọn giúp cho môi trường, khí hậu hạn chế những ảnh hưởng do tác động của con người mà còn hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Chỉ mới tham gia dự án từ giữa năm 2019 nhưng vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Khánh (thôn Lộc Châu 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) đã bắt đầu trổ những bông hoa trắng đầu tiên. Vừa tiến hành trồng mới, vừa tái canh trên tổng diện tích 1,5ha, ông Khánh cho biết chỉ hơn một năm nữa thôi là có thể bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê. Đồng thời, ông thực hiện đa canh với cây cà phê làm cây trồng chủ đạo, phối hợp theo không gian và thời gian với các loại cây trồng xen canh bao gồm một số cây thân gỗ che bóng tầng cao như sầu riêng, bơ, mít... và đào ao tích nước tưới tiêu cho cây trồng.
Vườn cà phê trồng xen canh kết hợp phát triển cảnh quan bền vững mang lại hiệu quả cho người nông dân (Ảnh: Internet) |
“Được hướng dẫn kỹ thuật trồng xen theo khoảng cách nhất định là 2 hàng cà phê 1 hàng cây ăn quả, mình rải trấu trên mặt thay vì để cỏ để giữ ẩm, hạn chế sự xói mòn. Mùa khô này cứ 10 ngày là tưới một lần, mỗi lần tưới là kèm theo bỏ phân luôn. Từng chút từng chút một chứ không phải ào ào như trước kia nữa”, ông Khánh chia sẻ.
Trong khi đó, có cơ hội tham gia dự án xây dựng cảnh quan sớm hơn, anh Nguyễn Minh Hợi (thôn Lộc Châu 1) cũng đã từng phải nhiều lần đắn đo. Nguyên nhân là bởi, việc phá bỏ hoàn toàn cà phê, không mang lại thu nhập trong khoảng thời gian 2, 3 năm đối với những người nông dân như anh Hợi quả là khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều lần tham quan các mô hình phát triển cà phê bền vững ở Đắk Lắk, Gia Lai cũng như các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, năm 2016, anh đăng ký tham gia với diện tích 5 sào. Nhận thấy hiệu quả, trong năm tiếp theo, anh tiến hành tái canh toàn bộ diện tích 1,2ha còn lại. Dự án cũng tiến hành hỗ trợ 80% cây giống cà phê và 100% cây trồng xen, 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đổi mới kỹ thuật canh tác dựa trên quy trình chuẩn do công ty hướng dẫn. Hiện tại, vườn cà phê được đánh giá đạt chuẩn 90% theo yêu cầu.
Năng suất cà phê hiện tại của vườn cà phê gia đình anh Hợi đạt khoảng 6 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với trước đây. Ngược lại, việc tiến hành trồng xen, phân tầng cũng làm giảm nhiều công chăm sóc, phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật.
Đại diện lãnh đạo xã Tân Nghĩa cho biết, việc được lựa chọn tham gia xây dựng Dự án Hợp tác phát triển vùng cảnh quan cà phê bền vững là một cơ hội lớn với địa phương. Mục tiêu của dự án là xây dựng vùng cảnh quan cà phê tập trung 2.700ha. Xã đã tăng cường giới thiệu chương trình cà phê bền vững cho bà con, hướng dẫn cách thức tham gia… Đến nay đã có 28 hộ đăng ký tham gia với diện tích gần 30ha. Bà con tham gia dự án được tài trợ phân tích mẫu đất, trên cơ sở đó đưa ra khuyến cáo bón phân gì, số lượng bao nhiêu và trợ giá 30%, không sử dụng các loại thuốc trong danh mục thuốc cấm. Nếu vườn chưa có cây che bóng sẽ tiếp tục được hỗ trợ thêm 30%.
Trong khi đó, ông Bùi Đức Hào - Điều phối viên hiện trường của tổ chức IDH (đơn vị triển khai của dự án) cho biết, đây là một chương trình dài hơi, cần có sự chung tay của các bên liên quan, trong đó nhân tố chính vẫn là người nông dân. Một trong những khó khăn ban đầu được xác định là việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống. Ngay sau khi bắt đầu triển khai, người dân đã rất nhiệt tình và dần thay đổi nhanh cái nhìn về trồng xen canh và tái canh.
Năm 2019 có 100ha được tái canh, diện tích trồng xen được tăng lên khoảng 5%. Dự án đã tổ chức tập huấn cho trên 500 nông dân với chủ đề canh tác bền vững và các khóa nâng cao năng lực cho HTX, xây dựng mô hình dịch vụ cung cấp phân bón, sản xuất cà phê chất lượng cao... Trong khuôn khổ dự án sẽ thiết kế 3 mô hình cụm cảnh quan 50ha để làm mẫu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều chương trình dự kiến tổ chức nhưng buộc phải dừng hoàn toàn vì không tổ chức tập huấn tập trung. Điều phối viên của dự án đã chuyển sang phương pháp thăm đồng ruộng và thăm từng hộ dân. Mặc dù thời gian và kinh phí có tăng lên nhưng trong bối cảnh hiện tại, đó là giải pháp hợp lý trước mắt.
Bây giờ ở các thôn như Lộc Châu 1, Lộc Châu 2, Đông Hưng..., cảnh quan nông thôn cũng đang dần thay đổi. Năm 2019, Tân Nghĩa được hỗ trợ sân phơi, nhà kho từ Dự án VnSAT, hỗ trợ 23 tỷ đồng cho con đường bê tông đào 27 ao, hồ nhỏ... Đi trên con đường mới nhìn xuống những vườn cà phê mơn mởn xanh, nhiều người nhìn thấy một tương lai tốt đẹp hơn cho những vùng nông thôn đang từng ngày vươn lên.
Đức Nguyễn