Kể từ năm 2015 đến nay, nghề nuôi thủy sản ở huyện Cẩm Khê không ngừng được mở rộng và đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng dần về chăn nuôi, thủy sản.
Hiệu quả kinh tế vượt trội
Sau nhiều năm phát triển, tích cực ứng dụng kỹ thuật mới, HTX Cá chép đỏ và dịch vụ nông nghiệp Thủy Trầm, xã Tuy Lộc đang dần khẳng định được giá trị kinh tế của mô hình nuôi cá chép theo hướng hàng hóa.
Mô hình nuôi trồng thủy sản đang cho hiệu quả cao (Ảnh: TL). |
Được sản xuất và tiêu thụ quanh năm, nhưng vụ cao điểm nhất của HTX rơi vào tháng 12 âm lịch (phục vụ rằm tháng Chạp). Hàng năm, cứ đến dịp này, các thương lái đổ đến khu vực nuôi cá của HTX để “gom hàng”.
Cá chép của HTX có giá bình quân 100 - 120 nghìn đồng/kg. Nếu nhu cầu cao, giá có thể lên đến 150 - 170 nghìn đồng/kg. Cá của HTX được xuất ra nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa…
Từ việc nuôi và kinh doanh cá chép đỏ, thu nhập của các thành viên tăng lên rõ rệt. Hiện, thu nhập bình quân từ nghề nuôi cá chép đỏ của thành viên HTX là 25 - 27 triệu đồng/người/năm, chưa kể nguồn thu từ việc nuôi cá giống.
Đặc biệt, cuối năm 2018, HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu Cá chép Thủy Trầm. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX khẳng định chất lượng, ổn định đầu ra.
Bên cạnh các HTX, hàng chục mô hình nuôi thủy sản hiệu quả cao cũng được hình thành trên địa bàn huyện Cẩm Khê. Từ việc chú trọng nuôi trồng thủy sản trên những vùng đất lúa kém hiệu quả, số hộ thoát nghèo ngày càng nhiều và số hộ làm giàu từ nuôi trồng thủy sản ở huyện cũng đang tăng cao.
Từ những mô hình nuôi cá truyền thống đến những mô hình nuôi cá đặc sản, với phương thức chăn nuôi chuyển từ quảng canh sang nuôi trồng theo quy mô lớn, có đầu tư bài bản và hướng an toàn dịch bệnh ngày càng phổ biến tại địa phương.
Hiệu quả của các mô hình thủy sản đang giúp huyện Cẩm Khê đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 2,49%/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 2,02%/năm.
Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện hiện đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/người/năm. Trong 5 năm tới, huyện đặt mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân lên 65 – 70 triệu đồng/người/năm.
Giàu tiềm năng phát triển
Thực tế cho thấy Cẩm Khê có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.790ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó diện tích thâm canh và bán thâm canh trên 1.000 ha; diện tích một vụ lúa, một vụ cá là 785ha; sản lượng thủy sản năm 2016 đạt trên 6.600 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng là 6.350 tấn.
Cẩm Khê đang thực hiện nhiều chính sách để phát huy tiền năng của mô hình nuôi thủy sản (Ảnh TL). |
Cùng với các giống thủy sản truyền thống, từ năm 2016, tôm càng xanh được đưa vào sản xuất tại xã Văn Khúc và Chương Xá với diện tích trên 25ha, bước đầu đang cho hiệu quả cao.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Khê, thành công trong thời gian qua là thành quả từ chủ trương chuyển dịch đúng hướng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủy sản của địa phương.
Huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa. Huyện hỗ trợ giá giống cho các hộ có diện tích nuôi thủy sản liền vùng, liền thửa đảm bảo diện tích và mật độ nuôi theo quy định. Qua đó góp phần thay đổi tập quán nuôi thủy sản của người dân từ hình thức nuôi thức ăn tận dụng, đầu tư thấp sang nuôi thâm canh, bán thâm canh.
Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển bền vững, huyện Cẩm Khê dự kiến tiếp tục chú trọng phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao, hồ; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương.
Huyện cũng tích cực triển khai lập các dự án, chương trình hỗ trợ để thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư từ trung ương, tỉnh, huyện, các doanh nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vùng chăn nuôi thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nhật Minh