Là một thành viên của HTX nông nghiệp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hòa (huyện Ba Tri), ông Trương Công Nghĩa cho biết, hiện tại gia đình đang nuôi 5 bò sinh sản và 4 con bò vỗ béo cùng 33 dê con thương phẩm.
Cầu nối cho các hộ chăn nuôi
Với việc kết hợp thức ăn sẵn có cũng như tìm kiếm, cộng thêm thức ăn cho dê được mua từ HTX, theo ông Nghĩa, điều này đã góp phần thúc đẩy tốt quá trình sinh trưởng của dê thịt. Nhất là nâng cao chất lượng thương phẩm cũng như HTX kết nối thương lái tiêu thụ đầu ra ổn định cho sản phẩm dê, bò thịt của gia đình, từ đó giúp thu nhập được nâng lên, không còn cảnh bấp bênh như trước kia.
HTX nông nghiệp Vĩnh Hòa đã thể hiện vai trò là cầu nối giúp các hộ chăn nuôi ở huyện Ba Tri tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển. |
Trong hơn 5 năm hoạt động, HTX nông nghiệp Vĩnh Hòa được UBND tỉnh Bến Tre đánh giá là một trong bảy HTX có chiều hướng hoạt động tốt để xây dựng, phát triển thành HTX nông nghiệp hiệu quả toàn diện cấp huyện giai đoạn 2022-2025.
Khi mới thành lập, HTX có 30 thành viên tham gia góp vốn, với việc từng bước khẳng định vị thế vững chắc trong lòng các thành viên, đến nay đã nâng lên 110 thành viên. Điều này đã minh chứng cho hiệu quả thiết thực cùng sự ổn định phát triển của HTX Vĩnh Hòa.
Từ khi thành lập, HTX phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người nuôi cách phòng bệnh nên đàn dê phát triển tốt hơn.
HTX đã triển khai dịch vụ chăn nuôi dê, bò (giống và thịt), thú y, trồng lúa, chăn nuôi (kinh doanh thức ăn, cám cho gia súc). HTX đã được Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre phê duyệt mô hình “Nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm bò thịt bằng phương pháp nuôi vỗ béo kết hợp trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn trên địa bàn huyện Ba Tri” từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Mô hình có 25 hộ ở địa phương tham gia, với 50 con bò đực giống, tổng kinh phí dự toán 1,1 tỷ đồng (hỗ trợ cho mượn vốn 22 triệu đồng/thành viên và đối ứng 1 con bò đực/hộ). Sau 2 năm triển khai thực hiện, HTX sẽ thu hồi và luân chuyển cho các thành viên khác có nhu cầu tham gia mô hình.
Ông Trương Văn Dòm, Chủ tịch HĐQT của HTX, cho biết thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng loại hình dịch vụ cung ứng vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, đầu tư trang thiết bị, mở rộng lò giết mổ, mở rộng thị trường tiêu thụ…nhằm nâng cao lợi nhuận cho các thành viên.
Nhất là HTX này đã thể hiện vai trò là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra, tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, không còn chịu cảnh nghèo khó như trước.
Giúp tăng lợi nhuận từ cây lúa
Còn ở xã Phước Ngãi (huyện Ba Tri) có HTX Nông nghiệp Phú Ngãi cũng được đánh giá là HTX điểm của tỉnh Bến Tre. Cách đây 7 năm, HTX thành lập chỉ có 22 thành viên, còn hiện tại đã tăng lên 100 thành viên với diện tích canh tác là 100ha. Hiện tại, HTX đang làm các dịch vụ như: Cung cấp phân bón với giá đại lý cấp 1, cấy thuê và thu mua lúa của bà con là thành viên HTX.
HTX Nông nghiệp Phú Ngãi giúp tăng lợi nhuận cho người trồng lúa ở Ba Tri. |
HTX Nông nghiệp Phú Ngãi đã giải quyết một phần khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, hoa màu cho thành viên và nông dân. Nhất là tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, giảm chi phí, tăng thu nhập cho các thành viên do cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật.
Hơn thế nữa, HTX này còn kết nối doanh nghiệp để liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp sản xuất theo quy trình sạch, an toàn và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng ngàn tấn lúa, rau, củ, quả sạch và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Ông Hồ Văn Trường là thành viên góp vốn vào HTX 10 triệu đồng, đang canh tác 8ha lúa hưởng rất nhiều lợi ích từ việc tham gia vào HTX. Ông cho biết, các thành viên được HTX hỗ trợ phân bón, thuốc với giá đại lý cấp 1, cung cấp dịch vụ cấp lúa với giá rẻ và bao tiêu sản phẩm làm ra.
“Trước đây, 1 công đất lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/vụ thì nay đã tăng lên hơn 2 lần nên bà con rất an tâm sản xuất. Không chỉ hưởng lợi từ các dịch vụ nông nghiệp của HTX, cuối năm thành viên nào cũng được chia lợi nhuận do HTX làm ăn hiệu quả”, ông Trường chia sẻ.
Với dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Mai Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngãi, cho biết HTX cung ứng đúng với giá đại lý cấp 1 tới cuối vụ mới thanh toán. Dịch vụ cấy thuê, có 3 máy cấy để cấy cho thành viên HTX với giá 300 ngàn đồng/công, cấy thuê bên ngoài 550 ngàn đồng/công.
“Cuối vụ HTX thu mua lại lúa của bà con thành viên với giá cao hơn thị trường bên ngoài 1.000 đồng/kg sau khi đã ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Năm 2022, trung bình 1 cổ phần (1 triệu đồng/cổ phần) đến cuối năm bà con thành viên HTX được chia lợi nhuận 137 ngàn đồng”, ông Kháng chia sẻ.
Có thể nói, với hoạt động hiệu quả của 2 HTX nêu trên, được UBND tỉnh Bến Tre đánh giá cao, là điều khích lệ rất lớn để huyện Ba Tri tiếp tục đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới.
Nhất là khi huyện Ba Tri là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Tính đến đầu năm 2023, huyện có 4.177 hộ nghèo, với 13.907 nhân khẩu, chiếm 7,55% so với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện (55.306 hộ). Chính vì vậy, việc phát triển những HTX kiểu mới là rất quan trọng nhằm góp phần tạo sinh kế cho lao động địa phương, giúp cho thu nhập của bà con nông dân được nâng lên, ổn định hơn, không còn phải chịu cảnh nghèo khó.
Thanh Loan